Quan sát & Bình luận

Trung Quốc lo ngại

07:50, 28/01/2015 (GMT+7)

Ngày 27-1, Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai của thế giới.

Ông và Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi đã tập trung bàn nhiều vấn đề quan trọng. Nhiều nước hoan nghênh những thỏa thuận cũng như quan điểm của Mỹ và Ấn về tình hình ở một số khu vực. Song, quốc gia láng giềng là Trung Quốc tỏ ra không hài lòng. Vì sao Bắc Kinh lại có động thái như vậy?

Thứ nhất là việc nâng mức kim ngạch thương mại song phương Mỹ - Ấn lên 500 tỷ USD và thỏa thuận lịch sử về hợp tác hạt nhân nhằm mở đường cho các công ty Mỹ xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ. Bước ngoặt của thỏa thuận này là việc các công ty Mỹ sẽ có “lá chắn bảo hiểm đầy hứa hẹn”, giải tỏa lo ngại về trách nhiệm pháp lý - được quy định nghiêm ngặt tại Ấn Độ - trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân.

Tại Hội nghị Diễn đàn Tổng giám đốc các công ty Ấn - Mỹ chiều 26-1 ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Modi đã tìm cách thu hút các nhà đầu tư Mỹ, với cam kết điều chỉnh cơ chế thuế, loại bỏ các rào cản và tạo môi trường kinh doanh mở, giải quyết vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ông nhấn mạnh: Ấn Độ không chỉ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài mà còn “trải thảm đỏ” đón họ.

Trong khi đó, Tổng thống Obama công bố khoản đầu tư 4 tỷ USD do Chính phủ Mỹ hỗ trợ Ấn Độ. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Ấn - Mỹ và cho rằng hai nước có thể cùng nhau phát triển công nghệ để giúp quốc gia Nam Á tiến lên phía trước.

Chính sự đầu tư cả tài chính lẫn công nghệ của Mỹ thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ phát triển nhanh, mạnh, có chất lượng cao sẽ gây áp lực lớn với Trung Quốc. Đặc biệt, khi Ấn Độ vươn lên về kinh tế thì sẽ là vật cản lớn cho Trung Quốc trong tiến trình thúc đẩy hình thành lại “con đường tơ lụa” nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực Nam Á và Trung Á.

Thứ hai, sự hợp tác chặt chẽ Mỹ - Ấn về quốc phòng - an ninh thể hiện rõ chính sách “Xoay trục về châu Á” của Washington trong khi New Delhi cũng xúc tiến kế hoạch “Hành động phương Đông”, phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á giữa bối cảnh Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.

Mặt khác, sự hợp tác của Mỹ - Ấn không chỉ đơn thuần nhằm đối phó với mối lo ngại chung của hai nước này, đó là các tổ chức khủng bố có sào huyệt tại Pakistan, mà thực tế thể hiện nỗ lực của Washington nhằm tạo một mắt xích mới trong chuỗi xích bao vây Trung Quốc.

Tương tự, sự phát triển trong hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Nhật Bản, đồng minh hàng đầu của Mỹ tại Đông Á, cũng được coi là một mắt xích trong chiến lược này. Theo các nhà quan sát, những diễn biến đó cho thấy Mỹ muốn Ấn Độ đóng vai trò cân bằng đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Thứ ba là trong Tuyên bố Tầm nhìn chung, Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama đã kêu gọi tất cả các bên liên quan “tránh đe dọa sử dụng vũ lực và theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải” ở Biển Đông. Tuy không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc nhưng các nhà quan sát chính trị cho rằng, Mỹ và Ấn đã nhắc đến mối quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian qua, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với hơn chục quốc gia Đông Nam Á.

Về phía Trung Quốc, nước này cho rằng, tại thời điểm này, tình hình Biển Đông nhìn chung ổn định, không có vấn đề gì về quyền tự do hàng hải - hàng không, và Bắc Kinh tin sẽ không có vấn đề gì nổi lên trong tương lai.

TUYẾT MINH

.