Quan sát & Bình luận
Chờ sự hợp tác quốc tế
Malaysia và Indonesia muốn quốc tế hỗ trợ các nước Đông Nam Á giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, đồng thời cho rằng vấn đề này không của riêng khu vực, không của riêng ASEAN, mà của toàn cầu.
Việc hàng nghìn người di cư - chủ yếu là cộng đồng người Rohingya Hồi giáo ở Myanmar và Bangladesh - tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, được cho là thách thức đối với Đông Nam Á, nhất là khi cuộc khủng hoảng này hiện bước sang tuần thứ tư. Theo các quan chức Liên Hợp Quốc (LHQ), con số này lên đến hàng nghìn người và cần chạy đua với thời gian để cứu sống họ.
Thay vì ngăn cản các tàu chở người di cư cập bờ, Malaysia và Indonesia đã chịu đưa ra giải pháp để tháo gỡ một phần cuộc khủng hoảng di cư, đó là cung cấp nơi ở tạm thời cho những người tị nạn, nhưng phải tái định cư hoặc hồi hương trong vòng 1 năm. “Một năm là tối đa”, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla đã nói như vậy.
Tuy nhiên, giải pháp được cho là đột phá này chỉ mang tính tạm thời, chỉ xoa dịu thảm họa nhân đạo ở Đông Nam Á, chứ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra về số phận của những người Rohingya.
Trước hết, Thái Lan dường như đứng ngoài cuộc khi trì hoãn tiếp nhận người di cư. Trong khi đó, quyết định của Malaysia và Indonesia chỉ là bước đi đầu tiên, còn những bước đi tiếp theo là gì thì vẫn chưa có lời giải. Các nhóm như Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) kêu gọi các nước khẩn cấp mở các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn để bảo đảm sự an toàn cho hàng nghìn người đang lênh đênh trên biển.
Thứ hai, không nước nào và không tổ chức quốc tế nào xác định được có bao nhiêu người di cư đang ở trên biển, hơn 3.000 người - theo ước tính của cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR), hay 6.000 người - theo các cơ quan viện trợ?
Thứ ba, với việc Thủ tướng Najib Razak ngày 21-5 ra lệnh lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển tìm kiếm những người di cư đang kẹt trên biển, Malaysia là quốc gia đầu tiên công bố chiến dịch tìm kiếm người tị nạn, thay vì chờ đợi họ cập bờ. Tuy nhiên, ông Razak không cho biết chi tiết, cũng không rõ khi nào chiến dịch được bắt đầu và có bao nhiêu tàu của Kuala Lumpur tham gia.
Thứ tư, điều gì sẽ diễn ra sau 1 năm, khi thời hạn mà Malaysia và Indonesia đặt ra cho việc tiếp nhận người tị nạn đã hết. Phải chăng cần sự hợp tác của quốc tế và cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm trong việc tái định cư hoặc hồi hương những người tị nạn, như đề nghị của Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla?
Nguyên nhân căn cơ của cuộc khủng hoảng được cho là từ phía Malaysia. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đang có chuyến thăm Đông Nam Á và nói rằng, ông đề cập cuộc khủng hoảng nhân đạo của người Rohingya trong cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo Myanmar vào ngày 21-5 (giờ địa phương) để đưa ra một “giải pháp bền vững”.
VĨNH AN