Quan sát & Bình luận

Châu Âu đang lúng túng

07:49, 03/09/2015 (GMT+7)

Mấy chục năm trước, khi các nước XHCN Đông Âu tan rã, châu Âu phải đối phó với làn sóng di cư bất hợp pháp từ các quốc gia này. Hàng trăm ngàn người các nước khu vực Đông Âu đã tìm cách đến các nước Đức, Pháp, Anh… để tìm công ăn việc làm, định cư lâu dài.

Tuy nhiên, làn sóng đó không làm các nước châu Âu, nhất là trong khối Liên minh châu Âu (EU), chật vật trong bối cảnh thiếu lao động và nền kinh tế các nước EU còn đang khấm khá. Sau đó, nhiều nước Đông Âu đã gia nhập EU thì vấn đề di cư không còn là áp lực.

Nhưng hiện nay, châu Âu đối diện với hai làn sóng di cư cùng một lúc.

Một là, bằng đường biển, hàng trăm ngàn người tị nạn chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông, châu Phi, đổ bộ lên nước Ý và Hy Lạp. Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, hơn 340.000 di dân đã tràn đến biên giới tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mỗi ngày đều có hàng ngàn thuyền nhân vượt Địa Trung Hải, đổ bộ vào Ý và Hy Lạp. Đặc biệt, hàng chục ngàn người vượt biển đã thiệt mạng do đắm tàu, đói khát mà EU không thể không ra tay hành động để cứu người trong cơn tuyệt vọng trên biển.

Hai là, trên bộ, hiện tượng di dân kinh tế “tháp tùng” theo làn sóng tị nạn chiến tranh đang lan rộng. Việc hàng chục ngàn người mượn con đường “Balkan” vượt biên giới Serbia và Hungary ồ ạt vào nước Đức đang làm EU bối rối. Tình hình càng nghiêm trọng hơn vì hàng loạt dân Balkan lợi dụng cơ hội, bỏ làng, gia nhập đoàn người tị nạn. Những người dân vùng Balkan nghèo khó, thất nghiệp, hy vọng tìm cuộc sống mới tại Đức.

Từ 8.000 người trong suốt năm 2014, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, 102.000 người đã vào được châu Âu qua con đường Macedonia, Serbia, Bosnia Herzegovina, Albania và Montenegro. Đức dự kiến sẽ đón 800.000 người trong năm nay.

Làn sóng Balkan, theo lời cảnh sát Albania, xuất phát từ lòng tham của các tổ chức tội ác buôn người. Các nhóm xã hội đen đã thu được những món tiền khổng lồ và khuyến khích dân chúng ra đi. Thậm chí, để đánh lừa các chính phủ Tây Âu với hy vọng được tị nạn chính trị, không ít di dân kinh tế Albania không ngần ngại đặt bom dưới xe hơi, hoặc đánh sập cửa nhà để xin cảnh sát cấp giấy chứng nhận họ là mục tiêu của khủng bố, không thể sống tại quê nhà.

Đối phó với loại di dân này, Albania tăng cường kiểm soát biên giới và sử dụng pháp luật, truy tố các công ty du lịch liên can, bắt giữ hàng chục người chủ mưu. Còn Hungary, cửa ải cuối cùng vào nước Đức, dùng biện pháp xây hàng rào kẽm gai dọc biên giới với Serbia. Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá quốc tế chỉ trích EU đã bỏ ra tiền để xây dựng thành lũy như trường hợp Hungary hay Tây Ban Nha, mà thay vào đó là nên xây thêm cơ sở đón người tị nạn.

Đó là những giải pháp tạm thời để EU đối phó làn sóng di dân mượn con đường “Balkan”. Còn với di dân là nạn nhân chiến tranh thì sao?

Cho đến lúc này, các biện pháp ngăn chặn di dân từ nguồn cội ở Trung Đông, châu Phi hay Afghanistan của châu Âu thì gần như bất khả thi. Nhiều hội nghị cấp cao các nước EU được tổ chức nhưng vẫn chưa tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng trên quy mô lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Tình trạng chiến tranh, bất ổn, khủng bố Hồi giáo ngày càng gia tăng, đặt châu Âu vào thế bế tắc: thương lượng với ai ở Syria và Libya? Hoặc liệu có thể tiến hành đàm phán với lực lượng Taliban ở Afghanistan được chăng? Một câu trả lời dứt khoát trong thời điểm hiện nay là không.

Trong khi đó, trên thực tế, chưa một quốc gia châu Âu nào, kể cả Đức và Pháp, có đủ cơ sở để đón tiếp hàng triệu người tị nạn đã đến và sắp đến. Hệ quả là ở các thành phố lớn hàng ngàn di dân sống lay lắt bên lề đường, trong công viên, tạo nên sự nhếch nhác của một châu Âu “già cỗi” đang cần sự tĩnh lặng.

TUYẾT MINH

.