Quan sát & Bình luận

Đối tác - đối thủ

08:30, 24/09/2015 (GMT+7)

Ngày 22-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ trong lúc hai nước đang đối mặt với không ít khó khăn và giữa hai bên còn nhiều bất đồng, mâu thuẫn gay gắt.

Phát biểu khi đến thành phố Seattle (Mỹ), ông Tập Cận Bình nêu rõ: “Tôi mong muốn được trao đổi quan điểm một cách sâu rộng với Tổng thống Barack Obama. Tôi tin rằng, với nỗ lực hợp tác của hai phía, chuyến thăm của tôi sẽ mang lại những thành quả tốt đẹp và đưa quan hệ Trung - Mỹ lên tầm cao mới”.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: Cả Trung Quốc lẫn Mỹ cần hiểu, tôn trọng lẫn nhau, mở rộng vấn đề chung, xử lý hợp lý những bất đồng, song song với việc tôn trọng những quan ngại và các lợi ích cốt lõi của nhau. Ông Tập Cận Bình cũng cho rằng, cuộc gặp sắp tới giữa ông và Tổng thống Obama sẽ ghi dấu ấn trong chiều dài quan hệ Trung - Mỹ (?!).

Mong muốn của Trung Quốc là vậy nhưng những gì diễn ra thực tế thì đây là chuyến thăm Mỹ không êm ả của ông Tập Cận Bình. Quan hệ Mỹ- Trung hiện nay vừa là đối tác, vừa là đối thủ của nhau trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải nói đến 3 vấn đề đang nổi lên khá gai góc, đó là các lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị chậm lại; tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và nạn tin tặc.

Sau nhiều thập niên tăng trưởng vượt trội, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, gây hiệu ứng dây chuyền trên toàn cầu, từ sụt giảm kim ngạch thương mại đến các bất ổn trên thị trường chứng khoán và hàng hóa toàn cầu. IHS Global Insight dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ mức 7,3% trong năm 2014 sẽ giảm còn 6,5% trong năm nay và năm 2016 sẽ chỉ ở mức 6,3%. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng, những xáo trộn trên các thị trường tài chính sau khi Trung Quốc bất ngờ hạ giá đồng nội tệ giữa tháng 8 vừa qua “phản ánh những lo ngại về nguy cơ suy thoái từ tình hình nền kinh tế nước này”.

Trong khi đó, “cuộc chiến” về thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc ngày càng diễn ra dữ dội. Hai bên đã có những buộc tội lẫn nhau. Bắc Kinh bị Washington cáo buộc trộm cắp các bí mật công nghiệp qua Internet, nhờ đó các công ty của Trung Quốc được thu lợi. Các vụ gián điệp tin học tại Mỹ đã tăng đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công bố mới đây của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), và Trung Quốc bị Mỹ cho là thủ phạm hàng đầu.

Theo thống kê của FBI, chỉ tháng 6 vừa qua, Mỹ tuyên bố tin tặc đã đột nhập hệ thống dữ liệu của Cơ quan Quản lý nhân sự (OPM) thuộc chính phủ nước này và đánh cắp dữ liệu cá nhân của ít nhất 4 triệu nhân viên liên bang. Hồ sơ của 750.000 nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã bị xâm nhập. Đây là vụ tấn công mạng lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào các cơ quan liên bang của Mỹ. Washington cáo buộc Trung Quốc thuộc diện tình nghi trong vụ đánh cắp thông tin cá nhân này. Chính phủ của Tổng thống Obama đang cân nhắc việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với các công ty Trung Quốc - những công ty đã và đang được hưởng lợi từ việc đánh cắp tài sản trí tuệ.

Còn vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển, nhất là ở Biển Đông, đang có những phản ứng gay gắt từ giới chức Mỹ buộc chính quyền của Tổng thống Obama phải có tiếng nói mạnh mẽ và hành động kiên quyết hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang ngược tiếp tục tự cho mình quyền cải tạo bồi lấp đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, kể cả sân bay, bến cảng, căn cứ quân sự trên nhiều hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một nhân tố dẫn đến nguy cơ an ninh hàng hải, hàng không khu vực này bị đe dọa nghiêm trọng.

Các nhà quan sát quốc tế nhận định: Do lập trường còn khác biệt về nhiều vấn đề, lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung khó tìm được tiếng nói chung tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Thêm vào đó, cả hai đều có lý do “riêng” để tránh khoét sâu thêm những khác biệt trong cuộc gặp. Theo GS David Lampton chuyên về quan hệ quốc tế của Trường đại học John Hopkins, ông Tập Cận Bình không mấy mặn nồng với ông Barack Obama do nhà lãnh đạo Trung Quốc còn tại nhiệm thêm 7 năm, trong khi ông Obama chỉ còn 16 tháng nữa là hết nhiệm kỳ (?!). Trong khi đó, chuyên gia Michael Green ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) dự báo rằng, “sẽ không có một tiến triển cơ bản nào liên quan đến các vấn đề an ninh quan trọng nhất” giữa hai nước Trung - Mỹ.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế hoài nghi về triển vọng đột phá lớn trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc - hiện vừa là đối tác, vừa là đối thủ của nhau, qua chuyến đi này của ông Tập Cận Bình.

TUYẾT MINH

.