Quan sát & Bình luận

Bất ổn nhân đôi

08:15, 26/11/2015 (GMT+7)

Cách đây 14 năm, ngày 11-9-2001, cả thế giới bàng hoàng sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn bằng máy bay do tổ chức Al-Qaeda thực hiện nhằm vào nước Mỹ, làm hơn 3.000 người thiệt mạng. Ngay sau sự kiện này, một liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống Al-Qaeda đã được hình thành và tấn công vào Afghanistan, thành trì của chúng cùng nhiều mặt trận khác.

Thế nhưng, sau hơn một thập niên, bóng ma Al-Qaeda vẫn chưa tàn lụi thì “dị bản” của chúng là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lại khủng khiếp và kinh tởm hơn rất nhiều lần, xuất hiện ở vùng đất rộng lớn tại Iraq - nơi Mỹ tấn công để xóa bỏ cái gọi là “nơi sản xuất, tàng trữ vũ khí hủy diệt” và Syria - nơi Mỹ và phương Tây áp đặt các giá trị “tự do, dân chủ, nhân quyền”, hay còn gọi là “cách mạng màu” nở rộ cách đây vài năm sau “Mùa xuân Ai Cập”.

Song, IS nguy hiểm và tàn bạo hơn so với Al-Qaeda rất nhiều, bởi chúng có cơ sở hậu cần hùng mạnh, kiểm soát lãnh thổ khá liên hoàn từ Iraq tới Syria; được nhận tài trợ từ 40 quốc gia; chiêu mộ, huấn luyện hàng vạn chiến binh để chiến đấu trực tiếp trên các mặt trận và thực thi các vụ tấn công ở nhiều nước.

Hàng loạt vụ tấn công khủng bố trong những tháng gần đây đã làm thế giới, nhất là châu Âu, trở nên bất an hơn bao giờ hết. Một châu Âu bình an trong suốt nhiều thập niên qua nay trở nên sóng gió, bất ổn khi phải huy động hàng vạn binh sĩ, cảnh sát tuần tra kiểm soát liên tục trên các đường phố của thủ đô Paris, Berlin, Rome, Vienne, London… để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt, tại Bỉ, chính quyền buộc phải hủy bỏ trình tự các hành động pháp lý vốn được xem là nhiệm vụ hàng đầu để huy động hàng ngàn binh lính, cảnh sát tiến hành các chiến dịch truy lùng khám xét với quy mô chưa từng có, bắt hàng chục nghi can khủng bố. Đồng thời, chính quyền buộc phải ra lệnh giới nghiêm trong nhiều ngày liền để đối phó với nguy cơ khủng bố. Mọi hoạt động bình thường của người dân và các cơ quan công quyền ngưng trệ. Những ngày qua, không chỉ ở Bỉ mà nhiều quốc gia khác của châu Âu, các hoạt động vui chơi, giải trí, tụ tập đông người đều được cảnh báo, thậm chí bị “đóng băng”. Không những vậy, chính quyền Mỹ cũng khuyến cáo công dân nước mình không đến những nơi nguy hiểm ở châu Âu, hoặc cảnh giác ở những nơi đông người.

Trước nguy cơ khủng bố lan rộng, đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và trên phạm vi rộng lớn, sau khi liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu thành lập hoạt động không hiệu quả, việc Nga bắt đầu tham chiến đã tạo cục diện mới trên thực địa. Sau vụ tấn công khủng bố của IS nhằm vào Pháp, tiếng nói về một liên minh quốc tế chống IS ngày càng rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn.

Thế nhưng, những diễn biến thực tế cho thấy, vì các quyền lợi khác nhau, vì những mục tiêu riêng biệt, nên hiện có hai lực lượng chống IS, một bên do Nga đứng đầu và một bên do Mỹ điều phối, nhưng không tìm tiếng nói chung để hợp thành một lực lượng hùng mạnh nhằm vào IS, bảo vệ sự ổn định cho cộng đồng quốc tế. Họ vẫn so kè nhau và cố ngăn sự lấn lướt của nhau trong từng khía cạnh của cuộc chiến chống IS.

Điều gì làm nên sự tách biệt này?

Nhiều nhà quan sát nhận định, “bóng ma Chiến tranh Lạnh” vẫn hằn sâu trong suy nghĩ và hành động của các nhà lãnh đạo phương Tây. Cho nên, dù ở khía cạnh nào, phương Tây cũng nhìn nhận Nga vừa là “đối tác hạn hẹp”, vừa là “đối tượng tác chiến”. Vì vậy, khi Nga bắt tay hành động chống IS với sức mạnh quân sự của mình cùng sự ủng hộ của chính phủ Syria, Iraq, đã làm phương Tây vừa bất ngờ, vừa bực bội.

Ở đây, không nói đến vấn đề chống IS, mà chỉ cần nhìn vào sức mạnh quân sự mà Nga tung ra trong những ngày vừa qua. Đặc biệt, NATO - lá chắn còn lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh - muốn có một động thái nào đó để làm giảm uy tín và sức mạnh quân sự của Nga trong cuộc chiến chống IS.

Và rồi, điều đó cũng đã xảy ra khi ngày 24-11, máy bay chiến đấu Su-24 của không quân Nga đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại vùng núi Turkmen thuộc tỉnh Latakia, phía bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đang tấn công nhằm vào IS. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1950 một máy bay của Nga bị một nước thành viên NATO bắn hạ. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động đó của Thổ Nhĩ kỳ là “một nhát dao đâm sau lưng” và như là “hành động của kẻ khủng bố”. Ông Putin cũng đã cảnh báo rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả giá cho hành động nguy hiểm này. Nhiều nghị sĩ Nga đã kêu gọi chính phủ cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Nikolai Levichev, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia, thành viên Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện), tuyên bố: “Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế bắt đầu cuộc chiến đầy đủ chống khủng bố, sào huyệt của chúng là khu vực lãnh thổ Syria do IS chiếm đóng, Thổ Nhĩ Kỳ đang biểu lộ sự đoàn kết với những kẻ khủng bố và bắn hạ máy bay của chúng ta trên lãnh thổ Syria. Hành động gây hấn này có thể so với cuộc tấn công vào chiếc máy bay Nga khác trên bầu trời Sinai”.

Nhưng trên bình diện rộng lớn hơn, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga không chỉ làm việc hình thành một liên minh quốc tế mới chống IS sẽ khó khăn hơn, mà hệ lụy của quan hệ Đông - Tây sẽ trở nên băng giá. Và điều tất yếu là cuộc chiến chống IS để xóa tan sự bất ổn của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đang đứng trước những thử thách vô cùng nghiêm trọng. Bởi như lời ông Putin nhấn mạnh: Hành động Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga trên không phận Syria như là “hành động của kẻ khủng bố”, làm sự bất ổn do IS gây ra lại nhân đôi sự bất ổn.

TUYẾT MINH

.