Quan sát & Bình luận

Biển Đông vẫn bất an

08:20, 10/12/2015 (GMT+7)

Dù cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông, khủng hoảng di cư ở châu Âu, hay Hội nghị thượng đỉnh bàn về biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ở Pháp thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới, nhưng không vì thế mà vấn đề Biển Đông bị lu mờ tại các diễn đàn quốc tế.

Ngược lại, tại hầu hết các cuộc gặp cấp cao song phương và đa phương, các nhà lãnh đạo thế giới đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đang tiếp tục bồi lấp, xây dựng các cơ sở hạ tầng để phục vụ mục tiêu quân sự trên nhiều đảo mà họ cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Không những thế, các tàu hải cảnh và tàu đánh bắt hải sản bằng vỏ thép của Trung Quốc thường xuyên cản trở hoặc chèn ép, phá hoại các tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển ở Hoàng Sa và Trường Sa. Thậm chí, Trung Quốc còn cản trở các tàu tiếp tế của Việt Nam cho các đảo, gây thương tích cho ngư dân Việt Nam.

Hiện nay, Trung Quốc đã có một sân bay đang hoạt động trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc loại dài nhất Biển Đông, nhưng sẽ thua kém các đường băng khác mà Bắc Kinh đang xây thêm tại các đảo nhân tạo vừa bồi lấp ở quần đảo Trường Sa.

Ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang xây thêm 2 và rất có thể là 3 đường băng khác trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn. Bên cạnh các đường băng, các cơ sở khác như tòa nhà, bến cảng đang cấp tốc được xây dựng. Một trong các đường băng đã hoàn tất nằm trên Đá Chữ Thập, dài hơn 3.000m, tương tự đường băng sắp xây xong trên Đá Xu Bi.

Việc làm đó càng vạch trần mưu toan của Bắc Kinh trong việc chuẩn bị cho chiến dịch quân sự để độc chiếm Biển Đông chứ không phải “phòng thủ”.

Chuyên gia Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế Viện Lowy tại Sydney (Úc), cảnh báo rằng, các căn cứ không quân trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ “tác động đáng kể trên cán cân lực lượng trong khu vực”, cho phép Bắc Kinh triển khai dễ dàng lực lượng hải cảnh và hải quân tại vùng biển vốn rất xa lục địa Trung Quốc. Từ những căn cứ này, Trung Quốc sẽ kiểm soát toàn bộ Biển Đông cả về vùng biển lẫn vùng trời.

Han Kristensen, chuyên gia về an ninh Trung Quốc thuộc Liên đoàn Khoa học gia Mỹ, nhận định: Đường băng có sẵn trên các đảo ở Biển Đông cho phép Trung Quốc tiếp tế nhiên liệu, vũ khí, sửa chữa và bảo trì phi cơ của họ ngay tại chỗ, không cần phải bay hơn 1.000km để tới căn cứ không quân gần nhất trên đảo Hải Nam  khi có xung đột vũ trang xảy ra.

Trong khi đó, Mỹ liên tục lên án các hành động của Trung Quốc trong việc bồi lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay. Trong chuyến công du Philippines và Malaysia để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC và ASEAN, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái khẳng định lập trường phản đối của Washington.

Sau khi từ Đông Nam Á trở về, ngày 25-11, ông Obama đã ký ban hành Luật Quốc phòng cho năm 2016, trong đó có điều khoản mang tên “Sáng kiến Biển Đông”, xúc tiến các hoạt động nhằm “tăng cường an ninh hàng hải và năng lực giám sát trên biển của các nước ven Biển Đông”, cụ thể là 5 nước Đông Nam Á: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Mỹ cũng đã đưa các tàu chiến, máy bay tuần tra vào khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các đợt tuần tra như thường lệ ở Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ hợp tác với các nước như Philippines, Singapore để phối hợp tuần tra và bảo vệ an ninh cho tuyến vận tải hàng hải quan trọng của thế giới ở khu vực này.

Đáng chú ý là Singapore đã đồng ý cho quân đội Mỹ đặt một trung tâm chỉ huy ở đảo quốc sư tử và triển khai 4 chiến hạm mới LCS, đặt căn cứ tại quân cảng Changi, từ đó tỏa ra thực hiện nhiệm vụ tại Biển Đông. Singapore cũng tiếp tục cho quân đội Mỹ triển khai loại máy bay do thám hiện đại P8 Poseidon trên lãnh thổ của mình, thực hiện các phi vụ tuần tra trên Biển Đông. Đợt triển khai đầu tiên từ ngày 7-12 đến 14-12.

Những diễn biến đó cho thấy tình hình Biển Đông vẫn trong tình trạng bất an do những động thái của Trung Quốc đang đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Đông Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

TUYẾT MINH

.