Quan sát & Bình luận

Chuyến đi "tri ân"

10:41, 25/04/2016 (GMT+7)

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hanover (Đức) vào ngày 24-4 và hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel được cho là dịp để người đứng đầu Nhà Trắng “tri ân” các đồng minh, “đánh bóng di sản” của mình và động viên bà Merkel, người đang đối mặt với những chỉ trích ở trong nước vì cách xử trí cuộc khủng hoảng di cư.

Việc công cán nước ngoài là điều mà các nhà lãnh đạo Mỹ thường làm ở cuối nhiệm kỳ. Tổng thống Obama cũng không ngoại lệ và ông đã chọn những điểm đến là Saudi Arabia, Anh, Đức, chủ yếu để tái khẳng định mối quan hệ đồng minh vững chắc.

Đức là chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống Obama trong chuyến công cán 6 ngày. Trước đó, ông đến Saudi Arabia và Anh. Tiếc là Saudi Arabia đã không dành cho ông chủ Nhà Trắng sự đón tiếp nồng nhiệt với một nguyên thủ quốc gia công du chính thức, bởi sự trục trặc trong quan hệ giữa hai nước trong những năm gần đây, nhất là khi Riyadh cho rằng, Washington không còn cam kết hỗ trợ an ninh nước này nữa.

Nhưng Anh và những ngày này là Đức vẫn dành cho ông Obama sự tiếp đón trọng thị. Đức là một trong những đồng minh thân thiết nhất của ông Obama trong việc đối phó với nền kinh tế toàn cầu đang “run rẩy” và các cuộc khủng hoảng an ninh ở Trung Đông, Ukraine…

Đức cũng là nền kinh tế lớn nhất châu Âu nhưng nước này hiện bị cho là đối tác chưa xứng với vị thế chính trị, ngoại giao và quân sự. Song, trả lời báo Bild, Tổng thống Obama nói rằng vẫn xem bà Angela là một trong những đối tác thân thiết nhất của mình. Hiện tại, trong khi Mỹ có “quan hệ đặc biệt” với Anh và Pháp là đồng minh lâu đời nhất thì Đức trở thành “đối tác không thể thiếu” của Washington.

Tại Hanover, ngày 25-4, ông Obama sẽ gặp gỡ bà Merkel và các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh.
Hãng AP cho rằng, bất chấp những điều tốt đẹp về ngoại giao, mối quan hệ giữa Tổng thống Obama và bà Merkel vẫn không bằng phẳng, thậm chí thường đụng độ, chủ yếu xung quanh chính sách tài khóa. Bà Merkel ủng hộ việc “thắt lưng buộc bụng” là phương thuốc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu, trong khi ông Obama muốn dùng việc chi tiêu ngắn hạn để thoát khỏi “vũng lầy”.

Các nhà chức trách cũng thừa nhận mối quan hệ Mỹ - Đức xuống thấp khi phát hiện vụ chính phủ Washington nghe lén điện thoại của Thủ tướng Merkel. Điều này cũng làm công chúng Đức hoài nghi về vai trò của ông Obama ở châu Âu. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 45% người Đức có cái nhìn không thiện cảm về Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine và vụ máy bay MH17 bị bắn rơi đã kéo hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức cùng ngồi với nhau. Theo ông Obama, bà Merkel cần duy trì sự thống nhất của châu Âu để chống lại những gì mà ông gọi là “sự gây hấn của Nga nhằm vào Ukraine”.

Đổi lại, chuyến thăm Đức lần này của ông sẽ tập trung chủ yếu vào thương mại, vấn đề có thể hỗ trợ cho bà Merkel “lấy điểm” với công chúng trong nước. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ nhân chuyến đi này để thúc đẩy thỏa thuận thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu (EU).

Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU nếu được ký kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế hai bên lên thêm 100 tỷ USD. Nhà Trắng hy vọng đạt được thỏa thuận hoặc ít nhất có những tiến triển trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1 tới.

Thủ tướng Merkel muốn thúc đẩy thỏa thuận để tạo ra việc làm nhưng một số người Đức vẫn nghi ngại. Vì vậy, AFP cho rằng, ông Obama và bà Merkel dù thống nhất thỏa thuận nhưng cũng chưa thể ngăn cản được lực lượng đối lập quay lưng.

VĨNH AN

.