Quan sát & Bình luận

Ai đe dọa ai?

08:02, 05/05/2016 (GMT+7)

Sóng gió diễn ra ở Ukraine, nhất là sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đã phủ bóng đen lên quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ gần 2 năm qua. Hai bên đã tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhau và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu “tan băng”.

Thậm chí, gần đây, quan hệ giữa hai bên càng trở nên căng thẳng khi họ đều cáo buộc lẫn nhau về mối đe dọa.

Nga cho rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tiếp tục chính sách hướng Đông nhằm cô lập nước này. Biểu hiện mà Nga cho là rõ nhất là NATO do Mỹ đứng đầu đã tăng cường các lực lượng hạt nhân, tên lửa phòng thủ, các đơn vị tàu ngầm, tàu sân bay, kể cả các căn cứ quân sự với việc bố trí nhiều đội hình xe tăng, đơn vị phản ứng nhanh… vào các nước Đông Âu và các khu vực gần với nước Nga.

NATO đang cân nhắc luân phiên triển khai 4 tiểu đoàn quân tại các quốc gia thành viên ở Đông Âu, theo đề xuất mới nhất của các đồng minh nhằm bảo vệ những nước này trước Nga. Trước đó, Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch triển khai một lữ đoàn thiết giáp chiến đấu tới Đông Âu từ tháng 2-2017. Theo cơ cấu hiện nay, một lữ đoàn thiết giáp tác chiến của Mỹ có khoảng 4.500 binh sĩ, hàng chục phương tiện thiết giáp hạng nặng, xe tăng và các khí tài khác.

Phát biểu tại lễ bổ nhiệm Tướng Curtis M.Scaparrotti làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) kiêm Tư lệnh Tối cao NATO, ông Carter nói: “Hành động đe dọa hạt nhân của Mátxcơva làm dấy lên sự hoài nghi về cam kết của giới lãnh đạo Nga đối với sự ổn định chiến lược và tôn trọng nguyên tắc không sử dụng vũ khí hạt nhân”. Ông Carter nhấn mạnh: Nếu Nga gây hấn thì NATO “sẽ bảo vệ đồng minh, bảo đảm trật tự thế giới mà nền tảng là các nguyên tắc và tương lai tốt đẹp”.

Các nhà quan sát cho rằng, đây là thông điệp gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ “chạm trán nguy hiểm” giữa chiến đấu cơ Nga với hải quân, không quân Mỹ trên vùng biển Baltic; đồng thời cũng cho thấy quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Nga trên một loạt vấn đề, như việc Mátxcơva can thiệp vào miền đông Ukraina, sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014…

Không những thế, NATO cũng bắt đầu cuộc tập trận mùa Xuân quy mô lớn tại Estonia với sự tham gia của khoảng 6.000 binh sĩ. Tham gia tập trận có binh sĩ của 10 nước thành viên NATO, trong đó có Hà Lan, Mỹ, Anh, Đức. Ngoài ra còn có các máy bay tiêm kích ném bom Su-22 của quân đội Ba Lan, trong khi quân đội Mỹ triển khai máy bay tiêm kích F-15, máy bay vận tải quân sự Chinook CH-47 và máy bay hộ tống Bell V-22 Osprey. Cuộc tập trận diễn ra ở khu vực miền đông Estonia gần biên giới với Nga, kéo dài đến ngày 19-5.

Quan điểm của phía Nga thì ngược lại. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Dagens Nyheter của Thụy Điển ngày 28-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề cập quan hệ giữa Nga với EU và NATO. Ông Lavrov tuyên bố những ý kiến cho rằng Nga đã hành động nguy hiểm gần biên giới với NATO là âm mưu giả dối hoàn toàn.

Ông nhấn mạnh: Nga không phải tự nhiên có những hành động như vậy, Mátxcơva buộc phải thực hiện những biện pháp nhằm bảo đảm an ninh quốc gia khi nhận thấy cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang tiến gần đến biên giới Nga mà điều này ngược lại với những cam kết giữa hai bên. Ngoại trưởng Lavrov cũng cho rằng, Mátxcơva có quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật - quân sự cần thiết để đáp trả trong trường hợp Thụy Điển gia nhập NATO, do cơ sở hạ tầng quân sự của Thụy Điển khi đó sẽ phụ thuộc vào Bộ Tổng Tư lệnh tối cao NATO.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga sẵn sàng đối thoại với EU như một đối tác ngang hàng, còn Brussels cần từ bỏ ý định đưa ra tối hậu thư để đối thoại với Mátxcơva. Cũng theo ông, Nga và EU có thể trụ vững trong cuộc chiến cạnh tranh và cải thiện vị trí của mình trong hệ thống kinh tế toàn cầu chỉ khi hai bên cùng nỗ lực. Về các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: Mátxcơva hy vọng Brussels có “ý nghĩ sáng suốt” đối với lệnh trừng phạt, bởi nếu các đối tác phương Tây của Nga quyết định dỡ bỏ trừng phạt sẽ tạo điều kiện tăng trưởng, phát triển hợp tác giữa Nga và EU.

Một điều đáng chú ý khác là ông Evgeny Serebrennikov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Hội đồng Liên bang về quốc phòng và an ninh Nga, đã tiết lộ với Sputnik rằng, nước này đang hoàn tất công việc phát triển tên lửa thế hệ mới nhất, là bất khả xâm phạm đối với vũ khí của NATO. Ngoài ra, ông Serebrennikov cũng không loại trừ khả năng Nga sẽ tăng cường các nhóm quân trên biên giới.

Diễn biến trên cho thấy quan hệ Nga với Mỹ và EU chưa có dấu hiệu “tan băng” mà thực tế đang gia tăng sự đối đầu do các cáo buộc lẫn nhau. Ngược lại, Nga cũng cho rằng, Mỹ và EU chẳng khác nào đang đẩy Mátxcơva vào thế đường cùng và sự lựa chọn duy nhất là tăng cường phòng thủ, phát triển các loại vũ khí mạnh, kể cả tên lửa đạn đạo, để tự bảo vệ mình.

Vậy câu hỏi được đặt ra là: Ai đe dọa ai?

Việc hóa giải thắc mắc này sẽ chỉ phụ thuộc vào chính Nga với Mỹ và EU, một khi họ thực tâm muốn kiến tạo một nền hòa bình vững chắc và sự ổn định mang tính chiến lược lâu dài trên cơ sở xem xét các lợi ích chính đáng của nhau, chứ không nhằm vào sự hoài nghi và gia tăng lợi thế cho riêng mình.

TUYẾT MINH

.