Quan sát & Bình luận

Đông Nam Á là điểm đến của khủng bố

08:27, 08/09/2016 (GMT+7)

Kể từ khi chủ nghĩa khủng bố hình thành các tổ chức rộng lớn như Al-Qaeda và gần đây là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Đông Nam Á luôn nằm trong kế hoạch phát triển lực lượng cũng như tiến hành các vụ tấn công khủng bố đẫm máu của chúng.

Nguyên nhân nào để các tổ chức khủng bố chọn Đông Nam Á là điểm đến?

Một là, khu vực Đông Nam Á, nhất là Indonesia, Malaysia, Philippines, miền nam Thái Lan có rất đông người Hồi giáo sinh sống. Trong đó, Indonesia là quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới. Đây là cơ sở cho Al-Qaeda, IS có chỗ dựa vững chắc để tạo dựng các mối quan hệ, xây dựng cơ sở, từ đó tuyển dụng lực lượng, kêu gọi đóng góp tài chính.

Nhìn lại cuộc chiến tranh ở Afghanistan và gần đây là nội chiến ở Syria, chúng ta thấy chiến binh ở các mặt trận này đều có sự tham gia của các phần tử Hồi giáo cực đoan đến từ Đông Nam Á. Chẳng hạn, nhóm Jemaah Islamiyah (JI) ở Indonesia đã đưa các công dân nước này cùng các nước khác như Malaysia, Singapore sang Afghanistan, Iraq, Syria huấn luyện, tham chiến. Những chiến binh này có thể về nước, sử dụng những gì đã học để tiến hành các chiến dịch khủng bố. Đến nay, 76 công dân Indonesia đã trở về từ Syria, làm gia tăng các mối lo ngại về việc họ sẽ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ngay trên quê hương mình.

Tại những nước nhỏ và được kiểm soát chặt chẽ như Singapore, nhiều thanh niên đã đến Syria để gia nhập hàng ngũ IS. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, nhà chức trách nước ông từng bắt 2 thanh niên 17 và 19 tuổi vì họ có ý định tới Syria.

Trong khi đó, tình báo quốc tế ước tính, những năm qua, có hơn 1.000 người Indonesia và Malaysia đến Syria và Iraq để gia nhập IS. Những phần tử này sau khi tham chiến ở Trung Đông có thể trở về nước để hoạt động.

Hai là, cùng với khu vực có đông người Hồi giáo, các nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia có địa hình rất phức tạp, thuận lợi cho các tổ chức khủng bố hoạt động. Tại Indonesia có tới 5 nhóm khủng bố khét tiếng thế giới với nhiều vụ đánh bom đẫm máu, điển hình là vụ đánh bom Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng.

Cuối năm 2015, Bộ trưởng Tư pháp Úc George Brandis khi công du Jakarta đã khẳng định rằng, IS đang tìm cách thiết lập một vương quốc tại Indonesia. Sidney Jones, chuyên gia thuộc Viện Phân tích chính trị xung đột có trụ sở tại Jakarta nhận định: Khả năng xảy ra các vụ thánh chiến tấn công Indonesia theo kiểu khủng bố ở Paris vào ngày 13-11-2015 càng lúc càng tiến gần Jakarta.

Theo Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi, khoảng 300 kẻ phục tùng Abu Bakar Bashir từng bị giam giữ nhưng được thả và đã đến Batam, hòn đảo thuộc quần đảo Riau ở Biển Đông. Abu Bakar là lãnh đạo tinh thần của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan JI, đứng sau vụ đánh bom Bali năm 2002, bị kết án 15 năm tù vào năm 2011.

Ba là, khi bị tấn công dồn dập ở Trung Đông, đi đôi với việc chiêu mộ chiến binh đưa sang các chiến trường Afghanistan, Iraq, Syria hoạt động, Al-Qaeda và IS đã nhanh chóng hình thành các tổ chức tại Đông Nam Á, gồm những chiến binh từ chiến trường trở về hợp sức với lực lượng tại chỗ để phát triển lực lượng và tiến hành khủng bố.

Thủ tướng Lý Hiển Long từng cảnh báo, IS tại Iraq và Syria đã tăng cường các hoạt động ở Đông Nam Á hiệu quả đến nỗi chúng có một nhóm khủng bố được tuyển mộ từ Indonesia, Malaysia và Singapore.
IS đã nhận trách nhiệm trong các vụ khủng bố gần đây tại một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines và đe dọa sẽ còn nhiều vụ tấn công khác. Tuần trước, tại quần đảo Riau của Indonesia xuất hiện nhiều tờ rơi cảnh báo đánh bom nhằm vào các du khách Malaysia và Singapore.

Nhiều năm qua, tại các nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Malaysia liên tiếp xảy ra các vụ tấn công khủng bố, cho thấy Al-Qaeda cũng như IS trở thành mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng như thế nào. Ví dụ như, vụ đánh bom liên hoàn và thủ phạm đối đầu trực tiếp với cảnh sát tại Jakarta (Indonesia) ngày 14-1-2016 là hồi chuông thức tỉnh các nước Đông Nam Á rằng, “IS đã vào nhà chúng ta rồi!” chứ không còn ở tận Trung Đông hay Bắc Phi xa xôi nữa. Ngày 5-8, Singapore vốn chưa từng hứng chịu cuộc tấn công khủng bố nào trong nhiều năm qua đã rúng động trước âm mưu tấn công bằng rocket nhằm vào khu du lịch Marina Bay. May mắn là các nhà chức trách Indonesia đã phát hiện và bắt giữ kịp thời 6 phiến quân nước này, trong đó có một chiến binh IS.

Đúng như Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi trong một phát biểu mới đây cho rằng, chủ nghĩa cực đoan đã tiến tới giai đoạn không còn là “nếu”, mà là “khi nào sẽ xảy ra?”. Vì vậy, các nước Đông Nam Á phải hợp sức đấu tranh, ngăn chặn để duy trì sự ổn định, hòa bình và an ninh khu vực.

TUYẾT MINH

.