Quan sát & Bình luận

Duterte và chiến lược "xoay trục" của Mỹ

08:27, 15/09/2016 (GMT+7)

Quan hệ chiến lược Mỹ - Philippines đã được hình thành và phát triển trong nhiều thập niên qua. Khi Mỹ thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, Philippines có một vị trí vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, kể từ ngày 30-6, ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống và nắm quyền lãnh đạo đất nước, chỉ trong vài tháng qua, quan hệ Mỹ -  Philippines bắt đầu xuất hiện những vết nứt có nguy cơ làm chiến lược “xoay trục” của Washington gặp những trở ngại nhất định.

Chỉ sau vài tháng lãnh đạo, ông Duterte đã ra lệnh bắn hạ mà không cần xét xử hơn 2.000 người buôn bán và sử dụng ma túy. Điều này khiến ông nổi tiếng tại Philippines nhưng cũng gây quan ngại sâu sắc cho Mỹ, Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân quyền trên thế giới.

Điều đáng nói là hồi đầu tháng 9 này, ông Duterte đã không ngần ngại có phát ngôn thóa mạ ông Obama. Phản ứng lại, Nhà Trắng đã hủy cuộc họp song phương giữa Manila và Washington, thay vào đó là sắp xếp cho ông Obama gặp gỡ nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye; còn ông Duterte cũng cảm thấy hối tiếc về những lời nói “vô tình trở thành một vụ công kích cá nhân” đối với nhà lãnh đạo Mỹ.
Ngày 13-9, ông Duterte cho biết, Manila sẽ không tham gia tuần tra chung với Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác tại Biển Đông nhằm tránh rắc rối với nước thứ ba. Ngày 12-9, ông Duterte nói rằng, các lực lượng đặc biệt của Mỹ nên rời khỏi miền nam Philippines để tránh làm gia tăng nguy cơ an ninh tại đây bởi các phiến quân thuộc nhóm Abu Sayyaf rất hận Mỹ, sẵn sàng bắt cóc và giết bất cứ người Mỹ nào mà chúng nhìn thấy.

Tất cả những động thái của ông Duterte nói lên điều gì trong quan hệ giữa Philippines và Mỹ?

Phía Mỹ cho hay, họ đang theo dõi ông Duterte “một cách thận trọng” vì Philippines là một phần quan trọng trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington, nhằm kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton từng phát biểu trên boong tàu chiến Mỹ ở Vịnh Manila sau khi quân đội Mỹ trở lại căn cứ hải quân ở Vịnh Subic.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark C.Toner khẳng định Washington trân trọng mối quan hệ với Manila, một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Toner còn nói rằng, Mỹ đã có mối quan hệ song phương hùng mạnh kéo dài 70 năm với Philippines và mong muốn mối quan hệ tốt đẹp đó tiếp tục diễn ra.

Ngược lại, những phát biểu của Tổng thống Duterte dường như muốn khẳng định chính sách đối ngoại tự chủ của Philippines. “Trong mối quan hệ của chúng tôi với thế giới, Philippines sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Tôi khẳng định, chúng tôi sẽ tuân thủ những nguyên tắc truyền thống bình đẳng về chủ quyền, không can thiệp và cam kết giải quyết hòa bình những tranh chấp để phục vụ tốt nhất cho người dân cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông nói. Nhà lãnh đạo này khẳng định Philippines dưới sự lãnh đạo của ông sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập “mà không có sự can thiệp” của bất kỳ quốc gia nào.

Các nhà quan sát nhận định: Việc ông Duterte đang thúc đẩy quy tắc chính sách đối ngoại độc lập hơn nhằm cân bằng giữa các cam kết liên minh với Mỹ và mong muốn khôi phục quan hệ với Trung Quốc vốn bị “đóng băng” sau vụ Manila kiện Bắc Kinh lên Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan).

Gốc rễ sâu xa để ông Duterte có những phát ngôn và hành động như vậy đối với Mỹ chính là vấn đề nhân quyền. Trong bài bình luận trên tờ Wall Street Journal số ra mới đây, tác giả Andrew Browne cho rằng, ở Philippines, quan điểm phổ biến về Mỹ xoay chiều giữa tình cảm yêu mến và sự oán giận đau khổ, bắt nguồn từ quá khứ thực dân tàn bạo; các lực lượng chinh phục người Mỹ đã phát minh ra hình thức tra tấn mà nạn nhân bị trói chặt và bị dội nước vào mặt đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này hơn 100 năm trước đây.

Khi nước Mỹ đang xây dựng hệ thống liên minh của mình ở châu Á trong thời Chiến tranh Lạnh, vấn đề nhân quyền hầu như không còn là mối quan tâm. Thế nhưng, hiện nay, Mỹ luôn coi vấn đề nhân quyền như tiêu chí không thể thiếu trong chính sách, hay thiết lập mối quan hệ với các nước trên thế giới. Đây có thể là gốc rễ làm ông Duterte khẳng định mình không phải là “con rối của Mỹ” và ông chủ Nhà Trắng không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Philippines.

Quan hệ Mỹ - Philippines ít nhiều đã xuất hiện những rạn nứt nhất định. Trong khi đó, Philipppines có vị trí vô cùng quan trọng để Mỹ ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á nói chung.  Điều này sẽ tác động đến chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương.

TUYẾT MINH

.