Quan sát & Bình luận

Phía sau một cuộc điện đàm

08:29, 08/12/2016 (GMT+7)

Mặc dù cuộc điện đàm của nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn, chúc mừng ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ diễn ra ngày 2-12, nhưng đến nay trên các phương tiện truyền thông quốc tế vẫn tiếp tục đưa ra những bình luận khác nhau xung quanh sự kiện này.

Trên trang Twitter, ông Trump viết: “Lãnh đạo Đài Loan đã GỌI CHO TÔI (viết hoa) ngày hôm nay để chúc mừng tôi thắng cử tổng thống. Cảm ơn!”.

Trong khi đó, Văn phòng nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) ra tuyên bố cho biết, trong cuộc điện đàm, bà Thái Anh Văn đã trao đổi với ông Trump các quan điểm liên quan đến việc tăng cường tiếp xúc song phương và hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai bên. Tuyên bố cho hay, hai bên cũng chia sẻ quan điểm về “thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa và tăng cường quốc phòng để người dân được hưởng cuộc sống và an ninh tốt hơn”, song không nói rõ liệu các nhu cầu phòng vệ của Đài Loan có được nêu trong cuộc điện đàm hay không.

Nhiều câu hỏi được đặt ra sau cuộc điện đàm là: Hớ hênh, sai lầm hay hành động khiêu khích mới khi ông Trump động đến chủ đề “vô cùng nhạy cảm đối với Bắc Kinh”? Với những tuyên bố khó lường đó, ông Trump sẽ “đoạn tuyệt với đường lối ngoại giao” của Washington từ trước đến nay. Bởi lẽ, cử chỉ đó đã xóa bỏ một điều cấm kỵ kể từ năm 1979 và kể từ khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ngay sau cuộc điện đàm nói trên, Nhà Trắng đã khẳng định lập trường nhất quán với chính sách “một Trung Quốc”. Trung Quốc cũng ngay lập tức lên tiếng chính thức phản đối Mỹ thông qua con đường ngoại giao và báo chí chính thức của Trung Quốc thay đổi giọng điệu, nói đến nguy cơ chiến tranh nếu vấn đề Đài Loan không được xử lý tốt.

Trong một tin nhắn trên mạng Twitter, ông D.Trump còn dí dỏm bình luận: “Thật thú vị. Mỹ bán hàng tỷ đô-la trang thiết bị quân sự cho Đài Loan, nhưng lại không được phép nhận điện chúc mừng” (?!).
Còn ông Richard Grenell, nguyên là nhân viên ngoại giao trong nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực ở Washington, cho rằng “tất cả các cuộc nói chuyện (ở cấp nguyên thủ) đều đã được lên kế hoạch từ trước. Cuộc điện đàm (giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn) là hoàn toàn chủ ý”. Vậy sự chủ ý này có ẩn ý gì?

Nhật báo Le Figaro (Pháp) số ra ngày 6-12 cho hay, ông Trump không “hớ hênh” khi điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan. Ông đang tìm cách làm thay đổi các đường hướng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, theo cách của ông là vừa khiêu khích, vừa mập mờ, không rõ ràng. Ông có tài làm người đối thoại lúng túng, không biết chắc nên đáp lại như thế nào cho phù hợp.

Còn báo Les Echos (Pháp) trong bài “D.Trump lao vào tấn công mạnh mẽ Trung Quốc” cho hay, sau vụ điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, ông Trump còn gây sức ép với Trung Quốc qua việc chỉ trích chính sách tiền tệ, thương mại của Bắc Kinh và sự hiện diện quân sự của cường quốc châu Á này ở Biển Đông. Theo nhận định của Les Echos, Tổng thống đắc cử Mỹ giữ nguyên giọng điệu cứng rắn đối với Trung Quốc, giống như trong giai đoạn tranh cử. Thậm chí, giờ đây, ông còn chỉ trích Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực khác.

Ví dụ, ngày 4-12, trong cuộc tiếp xúc để cảm ơn cử tri tại thành phố Cincinnati (Ohio) sau cuộc bầu cử, ông Trump đã bất ngờ chỉ trích Trung Quốc về việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trên trang Twitter, ông Trump viết: “Trung Quốc đã hỏi xem chúng ta có đồng ý để họ xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ ngay giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ thế”. Đây là lần đầu tiên ông Trump bình luận về những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông kể từ khi ông đắc cử tổng thống.

Ông Jon Huntsman, nguyên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, giải thích: “Đài Loan đang trở thành một yếu tố rõ nét trong quan hệ Mỹ - Trung. Ông Trump là doanh nhân có thói quen tìm kiếm điểm tựa để thúc đẩy công việc và Đài Loan có thể sẽ đóng vai trò này trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Còn ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc đương đại nhận định: Ông Trump muốn chơi ván bài lật ngửa, thể hiện rõ lập trường của mình trước khi nhậm chức, nhằm tạo ra một tương quan lực lượng mới. Điều này không có nghĩa là ông Trump sẽ có chính sách hoàn toàn chống Trung Quốc, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, ông ta cứng rắn và nhắc lại cho Bắc Kinh biết tất cả những phản kháng, đòi hỏi của Mỹ. Đó là phong cách của Donald Trump và đặc biệt phương pháp này nhằm tạo ra một vị thế mới trước khi bước vào các cuộc đàm phán.

Nhóm cố vấn thân cận của ông Trump trấn an rằng, không nên coi cuộc điện đàm như một chỉ dấu báo hiệu sự thay đổi chiến lược của Washington trong quan hệ với Bắc Kinh. Đến lúc này, ông Trump thấy không cần thiết phải tham khảo ý kiến các chuyên gia Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi điện đàm, tiếp xúc với các lãnh đạo nước ngoài.

Tuy nhiên, sau sự kiện cuộc điện đàm gây nhiều tranh cãi nói trên, nhật báo Washington Post nhận định: Nếu tất cả các hành động này nhằm chứng tỏ sự thay đổi trong giọng điệu ngoại giao của Mỹ thì mục tiêu đã đạt được. Bắc Kinh đã nổi giận và phát ngôn viên Nhà Trắng không giấu lo ngại…

TUYẾT MINH

.