Nga - Mỹ sớm khôi phục mối quan hệ?

Sau 2 lần gặp nhau bên lề và những dự định cho cuộc gặp chính thức không thành, Điện Kremlin và Nhà Trắng mới đây chính thức xác nhận cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra tại thủ đô Helsinki của Phần Lan vào ngày 16-7 tới.

Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga luôn bị phủ bóng đen do những bất đồng như: xung đột ở đông Ukraine, chiến tranh ở Syria, việc bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga, cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, vụ cựu gián điệp hai mang người Nga bị đầu độc ở Anh…

Từ những “biến cố” nói trên, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt về ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm vào Nga. Ngược lại, Nga cũng có những hành động đáp trả tương xứng, làm mối quan hệ với Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thậm chí có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang bất cứ lúc nào, nhất là tại chiến trường Syria, nơi có các lực lượng quân sự Nga - Mỹ cùng tham chiến để chống khủng bố.

Tuy vậy, hai bên cũng tìm mọi cơ hội để mở kênh đối thoại. Gặp gỡ Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, Tổng thống Putin cho rằng quan hệ giữa Mátxcơva và Washington hiện “không ở trong tình trạng tốt nhất”. Bản thân nhà lãnh đạo Nga nhiều lần khẳng định Mátxcơva không tìm kiếm sự đối đầu với Mỹ và sẵn sàng thảo luận những biện pháp nhằm “khôi phục các mối quan hệ toàn diện dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Còn ông Bolton - vốn có quan điểm cứng rắn với Nga - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại, cho rằng đây là biện pháp hữu ích cho hai nước nói riêng và sự ổn định của thế giới nói chung. Ông đánh giá sự tiếp xúc trực tiếp giữa hai tổng thống là vô cùng quan trọng và hoàn toàn nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.

Kể từ khi vào Nhà Trắng hồi tháng 1-2017, Tổng thống Trump luôn tìm cách củng cố quan hệ với Nga và không ngừng yêu cầu xúc tiến cuộc gặp song phương với người đồng cấp Putin, bất chấp thực tế lập trường chung của chính giới tại Washington là cứng rắn với Mátxcơva.

Giới quan sát nhận định, mặc dù được đánh giá là sẽ khó tạo ra bước đột phá nhưng cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ mang ý nghĩa biểu tượng về nỗ lực hướng tới cải thiện quan hệ giữa hai nước. Sự kiện này cũng thể hiện quan điểm của Tổng thống Trump rằng, Washington và Mátxcơva có thể chung tay giải quyết những vấn đề chính trị giữa hai nước cũng như ở khu vực Trung Đông và châu Âu. Thậm chí, không loại trừ khả năng hai bên sẽ đạt được những thỏa thuận để mở ra hướng giải quyết những vấn đề quốc tế nóng cần sự phối hợp của hai cường quốc có ảnh hưởng hàng đầu thế giới, như thỏa thuận về giảm căng thẳng tại Syria mà hai nhà lãnh đạo đã nhất trí trong cuộc gặp chớp nhoáng vài phút ở Việt Nam hồi tháng 11 -2017.

Vì thế, cuộc gặp ngày 16-7 sẽ là lần gặp trực diện chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ theo đúng nghĩa kể từ khi mối quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, giới phân tích nhận định cuộc gặp Trump - Putin có thể làm một số đồng minh của Washington khó chịu, thậm chí việc Mỹ - Nga gặp thượng đỉnh được coi như là một hành động chọc giận. Thực tế, quan hệ của Mátxcơva với một số đồng minh châu Âu của Mỹ xấu đi trong thời gian qua. Đáng chú ý, những người lâu nay hoài nghi cam kết của Tổng thống Trump với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, hội nghị này rõ ràng là bước thụt lùi và tỏ ra khó chịu trước mong muốn của ông Trump về việc tái xây dựng quan hệ với Mátxcơva. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở sau khi các đồng minh chứng kiến cách hành xử của ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 vừa qua ở Canada. Lúc đó, Tổng thống Trump nói với các nhà lãnh đạo G7 rằng, bán đảo Crimea có lẽ nên thuộc về Nga bởi tất cả người dân tại đó nói tiếng Nga.

Các đồng minh của Mỹ cảm thấy bất an khi Tổng thống Mỹ thể hiện thái độ thân thiện với nhà lãnh đạo Nga. Thậm chí, họ còn cho rằng, các nước phương Tây đang bị bỏ rơi và hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ thúc đẩy mục tiêu chiến lược của Mátxcơva là làm suy yếu quan hệ liên minh giữa hai bờ Đại Tây Dương (!?).

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.