90 ngày có "hóa giải" được cuộc chiến thương mại?

.

Thỏa thuận đình chiến thương mại là kết quả đạt được từ cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires (Argentina) vừa qua. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc nhất trí ngừng cuộc chiến thương mại, đình chỉ việc áp những mức thuế mới và cho các nhà thương lượng thời hạn 90 ngày để đạt một thỏa thuận.

Vấn đề được đặt ra là 90 ngày hòa hoãn có tháo gỡ những “nút thắt” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không. “Số phận” cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ được quyết định tại các cuộc đàm phán trong vòng 90 ngày. Trên mạng xã hội Twitter ngày 4-12, Tổng thống Trump nêu rõ: “Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã bắt đầu. Trừ khi được kéo dài, (các cuộc đàm phán) sẽ kết thúc sau 90 ngày kể từ ngày diễn ra bữa tối ấm cúng và tuyệt vời với Chủ tịch Tập tại Argentina”.
Tuy nhiên, dù có 90 ngày hòa hoãn, hai bên cũng khó vượt qua những khác biệt quá lớn về chính sách thương mại khi không bên nào muốn nhượng bộ. Ông Myron Brilliant, Giám đốc Quan hệ quốc tế Phòng Thương mại Mỹ nhận định: “Việc khó khăn giờ mới bắt đầu”.

Cũng vì thế, ngay sau khi tạm ngưng cuộc chiến thương mại, ngày 3-12, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Trump đã chỉ định Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc. Phát biểu với Đài phát thanh công cộng quốc gia (NPR), Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đánh giá ông Lighthizer là “chuyên gia đàm phán cứng rắn nhất mà chúng tôi từng thấy và ông ấy sẽ buộc Trung Quốc phải loại bỏ các rào cản thuế quan, tiến hành những thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc chính sách của nước này”.

Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại như: chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, đánh cắp công nghệ và nông nghiệp…, Mỹ sẽ ngay lập tức tăng mức thuế từ 10% lên 25% như dự kiến ban đầu đối với hàng hóa của Trung Quốc. Nói cách khác, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung “nóng” trở lại với cường độ cao hơn nhiều.

Trong một dòng trạng thái khác đăng trên Twitter ngày 4-12, ông Trump hoan nghênh Bắc Kinh và Washington nối lại đàm phán thương mại nhưng vẫn không quên cảnh báo: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi luôn muốn thỏa thuận này xảy ra, và nó có thể. Nhưng nên nhớ, tôi là “người đàn ông thuế quan”. Bất kỳ người nào hay quốc gia nào đến cướp bóc của cải của đất nước này, tôi muốn họ phải trả giá vì những hành vi đó”.

Bởi vậy, đây là khoảng thời gian thử thách với Trung Quốc để thực hiện những thay đổi cơ cấu sâu rộng mà Mỹ đòi hỏi suốt năm qua. Nhưng việc Bắc Kinh có đáp ứng yêu cầu đó của Washington hay không cũng tùy thuộc nhiều yếu tố.

Ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) nhận định: Có thể mọi thứ vẫn như cũ và không có thay đổi gì đáng kể. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tạo làn sóng tự do hóa nhưng có thể tránh thực hiện những biện pháp gây rủi ro đe dọa trật tự kinh tế Trung Quốc.

Hãng nghiên cứu Capital Economics bày tỏ hoài nghi về việc thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại bởi còn nhiều bất đồng giữa hai bên chưa được giải quyết như: sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường… Vì thế, lúc đầu, các thị trường tài chính, các nhà đầu tư phản ứng tích cực với thỏa thuận đình chiến thương mại. Nhưng khi Mỹ và Trung Quốc công bố những ý kiến trái chiều về nội dung cuộc gặp, nhất là “tối hậu thư 90 ngày” của Mỹ là Trung Quốc phải “giải mã” hàng loạt vấn đề về thương mại, đã làm gia tăng sự bất an của các thị trường tài chính, các nhà đầu tư…

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ra sao? Câu trả lời thỏa đáng sẽ có trong vòng 90 ngày tạm hòa hoãn.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.