Thế giới sẽ ra sao khi không có INF?

.

Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8-12-1987, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500km).

Tuy nhiên, tháng 10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Từ ngày 2-2-2019, Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ INF với Nga và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF.

Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729”, đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, Mỹ chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy Moscow vi phạm INF, mà chỉ dựa vào những thông tin tình báo không rõ ràng và Washington không xác định tầm xa chính xác của loại tên lửa “Novator 9M729”. Nga chỉ trích Mỹ đang tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới và muốn phá vỡ cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu.

Ngày 6-2, Nga cũng chính thức thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, như một câu trả lời tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “ra chỉ thị rõ ràng cho Bộ Quốc phòng liên quan tới việc bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn chặn nguy cơ phá vỡ sự bình đẳng chiến lược” và cho rằng các biện pháp của Moscow không tốn kém, cũng không tạo ra cuộc chạy đua vũ trang, thay vào đó cho phép duy trì sự cân bằng quân sự - chiến lược.

Những động thái trên của Mỹ và Nga đặt ra câu hỏi lớn: Thế giới sẽ ra sao khi INF không còn tồn tại?
Hàng loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã bày tỏ quan ngại, kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để “đảo ngược” quyết định nói trên và tránh cuộc chạy đua vũ trang mới. Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhận định, việc Tổng thống Trump quyết định rút khỏi INF đồng nghĩa tuyên bố với một cuộc chạy đua vũ trang mới. Song, ông Gorbachev cho rằng, chưa quá muộn để hóa giải những khác biệt giữa các bên thông qua đàm phán.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis nhấn mạnh, thế giới đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề toàn cầu, có nguy cơ dẫn tới quay trở lại kỷ nguyên của Chiến tranh Lạnh cũng như một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Bộ Ngoại giao Phần Lan khẳng định INF là thỏa thuận kiểm soát vũ khí thành công, đồng thời kêu gọi Nga và Mỹ tiếp tục đối thoại về sự ổn định chiến lược. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết chính phủ của bà sẽ sử dụng thời hạn 6 tháng để tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán với Nga về INF.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh quân sự này đang lên kế hoạch chuẩn bị cho “một thế giới không có INF” nhưng sẽ không bố trí thêm các đầu đạn hạt nhân mới ở châu Âu.

Với việc Mỹ và Nga rút khỏi INF, tất yếu sẽ phát triển các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung, kích hoạt một cuộc chạy đua hạt nhân mới trên phạm vi toàn cầu. Điều đó có nghĩa an ninh thế giới sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng thế mà ngay sau khi tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ đã thử tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân mới với tầm bắn xa và sức công phá mạnh.

Ngoài ra, một dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ bố trí các hệ thống tên lửa ở các quốc gia thành viên NATO gần với đường biên giới Nga, cho dù Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố rằng sẽ chỉ tăng cường phòng thủ chứ không gia tăng các hệ thống tên lửa đạn đạo. Điều đó cũng buộc Nga phải có hành động tương ứng để bảo vệ lợi ích của mình.

Có thể nói, cùng mối quan hệ Nga - Mỹ, cũng như quan hệ Nga - NATO đang “lao dốc”, việc Washington - Moscow tuyên bố rời bỏ nghĩa vụ với INF báo hiệu “điều chẳng lành” cho thế giới về cuộc chạy đua vũ trang với nguy cơ đe dọa tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.