Mỹ vừa liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Tổng thống Donald Trump nêu rõ: “Đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức coi lực lượng quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố nước ngoài” và việc xác định này sẽ mở rộng đáng kể phạm vi cũng như quy mô gây sức ép tối đa đối với chính quyền Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi các “doanh nghiệp và ngân hàng trên thế giới đình chỉ mọi hoạt động tài chính với IRGC”, người vi phạm có thể nhận án 20 năm tù.
Theo cảnh báo của ông Brian Hook, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực từ ngày 15-4 không phải là những biện pháp cuối cùng. Trước đó, ngày 26-3, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đưa vào “danh sách đen” 25 cá nhân và tổ chức, trong đó có 4 công ty đặt tại Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) mà Washington cho là “bình phong” của IRGC và Bộ Quốc phòng Iran...
Hành động của Mỹ nhằm vào 2 mục tiêu: Một là về ngoại giao, quyết tâm cô lập thêm Iran. Mọi cố gắng của Nga, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU) giải quyết xung khắc khu vực bằng ngoại giao sẽ vô cùng khó khăn bởi Iran hiện là đối tác không thể thiếu nhưng không thể đối thoại được vì như thế sẽ bị cáo buộc hợp tác với khủng bố.
Hai là cắt nguồn tài chính. Các công ty nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Iran bắt buộc phải hợp tác với IRGC tức là sẽ bị cáo buộc hợp tác với khủng bố. Mọi hình thức buôn bán, cung cấp linh kiện cho các công ty kinh tế-tài chính của IRGC sẽ bị xem là vi phạm luật liên bang và bị trừng phạt rất nặng theo luật chống khủng bố.
Ở một khía cạnh khác, quyết định nói trên của Mỹ sẽ khiến quân đội và tình báo của Iran tiếp tục đối mặt với hành động tương tự từ các quốc gia khác.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, chiến thuật “áp lực tối đa” cho thấy sự bất lực của chính phủ Mỹ. Washington không thành công trong việc thuyết phục các cường quốc khác xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA).
Chính Washington cũng phải điều chỉnh tham vọng, từ “đòi thay đổi chế độ độc tài” đến “muốn Iran thay đổi thái độ”. Một danh sách gồm 12 yêu sách nghiêm khắc do Mỹ đưa ra hồi tháng 5-2018 đã bị Tehran bác bỏ.
Theo giải thích của ông Mark Dubowitz, thuộc Viện Quốc phòng và Dân chủ ở Washington, chính phủ của Tổng thống Donald Trump hy vọng tận dụng 3 sức mạnh “kinh tế, luật pháp và chính trị” với tầm cỡ tối đa để khuất phục Iran. Nhưng theo quan điểm của nhà cựu ngoại giao Richard Nephew, biện pháp này chỉ làm tăng thêm căng thẳng trong vùng và nguy hiểm cho binh sĩ Mỹ vì Iran cũng đã trả đũa tương tự.
IRGC là lực lượng vũ trang thiện chiến, có nhiệm vụ bảo vệ chế độ Hồi giáo. IRGC đóng vai trò canh giữ ý thức hệ hồi giáo Shia và làm kinh tế- tài chính; kiểm soát hầu hết các lĩnh vực kinh tế chiến lược, từ xây dựng hạ tầng kiến trúc đến khai thác dầu khí, ngân hàng…
Bên ngoài biên giới, IRGC là cánh tay quân sự của giáo quyền Shia, có quan hệ với nhiều lực lượng khác ở một số nước. Vì thế, ngay sau khi có tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran cũng quyết định coi chính phủ Mỹ là nhà tài trợ cho khủng bố và tuyên bố Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) cũng như các lực lượng liên quan tại khu vực này là tổ chức khủng bố.
Có thể nói, quyết định trừng phạt của Mỹ chắc hẳn sẽ làm tăng thêm trọng lượng của IRGC trên bàn cờ chính trị Iran trong lúc lực lượng này nắm trong tay phần lớn lĩnh vực kinh tế quốc gia; đồng thời càng làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang giữa Washington và Tehran, nhất là tại vùng Vịnh. Hải quân của IRGC kiểm soát eo biển Ormuz, kiểm soát tàu bè qua lại, nhất là tàu quân sự ra vào vịnh Ba Tư.
Vậy là “chảo lửa” Trung Đông có thêm một “ngọn lửa” khác, làm khu vực này vốn nóng bỏng càng trở nên nóng bỏng.
TUYẾT MINH