"Nút thắt" trong quan hệ Nga - Nhật

.

Thế chiến thứ hai kết thúc đã hơn 70 năm, nhưng hai nước Nga và Nhật Bản vẫn chưa gỡ được “nút thắt” về tranh chấp lãnh thổ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương.

Trong hàng chục năm qua, Nga và Nhật Bản đã tìm cách tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, trở ngại chính vẫn là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc), gồm 4 hòn đảo: Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan (Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan).

Vì  vậy, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhận về mình trọng trách nặng nề khi ông có chuyến thăm Nga trong hai ngày 21 và 22-1. Bởi lẽ, ông muốn tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng ngoại giao với Moscow liên quan vấn đề tranh chấp chủ quyền, thúc đẩy hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Song, thực hiện được điều này quả không dễ khi cả Nga lẫn Nhật Bản đều không từ bỏ lợi ích quốc gia trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Tại buổi họp báo chung với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin sau cuộc gặp tại thủ đô Moscow ngày 22-1, Thủ tướng Abe nói rằng, Ngoại trưởng hai nước sẽ gặp gỡ vào tháng 2 tới để tiếp tục theo đuổi các nỗ lực đối thoại giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Trong khi đó, Tổng thống Putin cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi hai nước đạt được hiệp ước hòa bình thời hậu chiến.

Tháng 11-2018, Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin thống nhất đẩy nhanh các cuộc đàm phán trên cơ sở tuyên bố chung Nhật Bản - Liên Xô năm 1956, theo đó 2 hòn đảo nhỏ hơn trong nhóm này có thể được trao trả cho Tokyo sau khi hai nước ký hiệp ước hòa bình. Nhật Bản gọi 2 đảo nhỏ này là Habomai và Shikotan (Nga gọi là Khabomai và Shicotan). Trước đó, Tokyo yêu cầu Moscow trao trả cả 4 đảo thuộc quần đảo tranh chấp rồi mới đồng ý ký hiệp ước hòa bình.

Ngày 20-1-2019, ông Abe nói rằng, Tokyo có thể chấp nhận hiệp ước hòa bình với Nga nếu Moscow trao lại cho Tokyo 2 trong số 4 đảo. Phát biểu này đánh dấu sự thay đổi lớn trong lập trường lâu nay của Tokyo.

Về phía Nga, Điện Kremlin vẫn khăng khăng rằng, việc quay trở lại định dạng Tuyên bố chung năm 1956 không có nghĩa Moscow tự động chuyển giao lãnh thổ cho Nhật Bản. Nga yêu cầu Nhật Bản công nhận toàn bộ kết quả của Thế chiến thứ hai và khẳng định chủ quyền của Moscow đối với quần đảo tranh chấp là vấn đề không thể đưa ra đàm phán.

Theo hãng Kyodo, những nỗ lực của Thủ tướng Abe trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Nga có thể không đạt kết quả như mong muốn bởi hầu như không có tiến triển lớn nào được công bố sau cuộc hội đàm giữa ông với Tổng thống Putin. Tuy nhiên, có thể nói, việc Nga và Nhật Bản giờ đây ngồi vào bàn đàm phán để gỡ “nút thắt” về tranh chấp lãnh thổ, tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình là tín hiệu tốt không chỉ cho quan hệ song phương mà còn tác động tích cực tới hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới, mặc dù phía trước họ là chặng đường khó khăn.

Khi Nga và Nhật Bản - hai cường quốc về kinh tế và quân sự láng giềng - nỗ lực giải quyết tốt về tranh chấp lãnh thổ còn tồn tại sau Thế chiến thứ hai cũng sẽ là hình mẫu để nhiều quốc gia khác học hỏi kinh nghiệm nhằm xử lý những vấn đề mà đất nước mình đang đối diện.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.