Đằng sau những ngọn lửa ở Paris

.

Kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, chưa bao giờ thủ đô Paris của Pháp lại bùng lên hai ngọn lửa, khiến chính phủ phải liên tiếp tìm giải pháp ứng xử kịp thời, phù hợp.

Một là ngọn lửa bùng phát dữ dội ở Nhà thờ Đức Bà Paris. Gần 500 lính cứu hỏa cùng các phương tiện hiện đại đã nỗ lực không ngừng suốt 15 giờ để dập tắt ngọn lửa nuốt trọn phần mái của nhà thờ 850 năm tuổi và thiêu rụi ngọn tháp Mũi tên. Lực lượng cứu hỏa đã ngăn chặn thành công ngọn lửa lan sang hai tòa tháp chuông và cứu 90% thánh tích cùng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị to lớn.

Chỉ hai ngày sau vụ hỏa hoạn, quỹ hỗ trợ phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris đã lên tới 1 tỷ euro (1,13 tỷ USD). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng 5 năm và mời các kiến trúc sư từ khắp thế giới gửi bản thiết kế nhằm xây dựng lại phần tháp Mũi tên bị đổ sụp. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rất khó tái tạo phần mái làm bằng gỗ sồi bởi Pháp hiện không có đủ lượng gỗ sồi có kích thước tương tự các thanh gỗ cắt từ thế kỷ 12.

Hai là, lực lượng “áo vàng” tại Paris lại xuống đường vào ngày 20-4, tuần thứ 23 liên tiếp, với hàng vạn người tham gia nhằm phản đối chính phủ. Thủ đô của Pháp được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho rằng, những người biểu tình quá khích đang âm mưu gây ra làn sóng bạo lực mới tại các thành phố Paris, Toulouse, Montpellier và Bordeaux.

Những người “áo vàng” đã di chuyển từ khu vực trụ sở Bộ Tài chính Pháp bên bờ sông Seine đến Quảng trường Cộng hòa ở trung tâm thành phố, rồi đốt cháy các xe máy, thùng rác, đập phá mặt tiền cửa hàng và phá ít nhất một ô-tô. Hàng chục đám cháy lớn, nhỏ tạo ra hình ảnh Paris rực đỏ.

Chính phủ Pháp huy động khoảng 60.000 cảnh sát để ngăn chặn các hành động quá khích của những người biểu tình. 189 người biểu tình quá khích bị bắt giữ.

Phong trào biểu tình “áo vàng” bùng nổ từ giữa tháng 11-2018 nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ, sau đó mở rộng sang chỉ trích Tổng thống Macron. Mặc dù xuất hiện tự phát, không có thủ lĩnh chính, nhưng phong trào “áo vàng” đã duy trì trong thời gian dài.

Để ngăn chặn các hành vi bạo lực, Tổng thống Macron đã ký ban hành đạo luật cung cấp thêm quyền cho lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, hành động này bị phe đối lập chỉ trích là vi phạm quyền tự do công dân. Hội đồng Hiến pháp cũng đã bác bỏ một số điều khoản trong đạo luật như cấm người biểu tình che mặt…

Có thể nói, ngọn lửa ở Nhà thờ Đức Bà Paris cùng sự dũng cảm của những người lính cứu hỏa đã tạo sự xúc động mạnh mẽ, kết nối người dân Pháp và cộng đồng quốc trong việc chia sẻ, đóng góp tiền bạc để nhanh chóng phục dựng biểu tượng của thủ đô Paris, di sản văn hóa thế giới.

Còn ngọn lửa ngày 20-4 do những người biểu tình, cộng với một số phần tử quá khích gây ra phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp. Chính phủ đã nỗ lực để ngăn chặn, hóa giải sự bất bình nhằm bảo đảm ổn định nhưng vẫn chưa có kết quả.

Đây thực sự là bài học lớn, là câu hỏi lớn cho người dân Pháp, người dân Paris và chính phủ nước này!

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.