Nguy cơ khủng bố luôn đe dọa

.

Sau sự kiện ngày 11-9-2001 tại nước Mỹ làm gần 3.000 người thiệt mạng, cộng đồng quốc tế đã chung tay góp sức thúc đẩy cuộc chiến trên quy mô toàn cầu chống các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)… từ đó đến nay.

Tuy nhiên, tàn quân của Al-Qaeda, IS vẫn rải rác ở nhiều nơi, xâm nhập vào những cơ sở mà chúng tạo dựng từ trước. Một số tên cầm đầu của Al-Qaeda, IS còn sống sót đang tìm cách quyên góp tài chính, tập hợp lực lượng, tổ chức những vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng để gây tiếng vang, đe dọa đến hòa bình và an ninh của nhiều nước.

Các vụ đánh bom đẫm máu liên tiếp xảy ra vào ngày 21-4 tại các nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka đúng dịp lễ Phục sinh, làm 359 người chết và 500 người khác bị thương (số liệu tính đến ngày 24-4), khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về mối đe dọa của khủng bố. IS đã nhận trách nhiệm và cho rằng, hàng loạt vụ tấn công này nhằm trả thù vụ xả súng vào hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch (New Zealand) hồi trung tuần tháng 3 vừa qua làm hơn 50 người thiệt mạng. IS còn công bố hình ảnh 8 đối tượng cực đoan đứng sau các vụ tấn công ở Sri Lanka. Những đối tượng này từng thề trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Giới chức Sri Lanka đã mở cuộc điều tra, bắt giữ hơn 100 người tình nghi và đề ra nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn các vụ việc tương tự có thể xảy ra. Trong số các đối tượng bị bắt giữ và thẩm vấn có 1 người mang quốc tịch Syria, 1 đối tượng đánh bom người Sri Lanka từng học tại Anh và Úc.

Giới tình báo Sri Lanka cho rằng, kẻ chủ mưu đứng sau các vụ đánh bom là Moulvi Zahran Hashim, một giáo sĩ Hồi giáo cực đoan. Hashim cũng là một trong 8 đối tượng cực đoan trong bức ảnh mà IS công bố. IS hiện mất toàn bộ thành trì ở Iraq và Syria nhưng các quốc gia lo ngại mối đe dọa khi những tay súng của lực lượng này trở về nước.

Giới chức Sri Lanka cũng quy trách nhiệm cho nhóm Hồi giáo địa phương National Thowfeek Jamaath (NTJ). Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena sẽ thay thế lãnh đạo lực lượng an ninh và quốc phòng của nước này sau thất bại trong việc ngăn chặn loạt vụ đánh bom liều chết.

Trong khi đó, tại Somalia, tối 23-3, Thủ tướng Hassan Ali Khaire đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các đại diện của Liên minh châu Phi (AU), Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngay sau khi phiến quân nước này tấn công vào các tòa nhà chính phủ tại thủ đô, làm 15 người thiệt mạng, trong đó có một thứ trưởng. Thủ tướng Khaire cam kết sẽ quét sạch các nhóm khủng bố.

Các đại diện nước ngoài bày tỏ ủng hộ chiến lược an ninh cũng như những nỗ lực của Somalia nhằm loại trừ các phần tử khủng bố al-Shabab. Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây phát biểu với báo giới đã nhấn mạnh: “Khủng bố Hồi giáo cực đoan vẫn là một mối đe dọa. Chúng tôi đang tiếp tục công việc nghiêm túc để đối phó với những kẻ xấu xa này”.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho rằng, còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp chống khủng bố tại Nga sau khi các cơ quan an ninh của nước này phá vỡ 19 âm mưu tấn công khủng bố hồi năm ngoái. Ông Patrushev cho biết, riêng trong năm 2018, lực lượng chức năng Nga đã chặn đứng 35 tội ác liên quan khủng bố, trong đó có 19 âm mưu tấn công khủng bố.

Theo ông Patrushev, các tổ chức khủng bố vẫn tiếp tục đổi mới các hình thức tấn công nên còn quá sớm để nói đến việc giảm nỗ lực chống khủng bố.

Có thể nói, khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới. Với tư tưởng cực đoan và hành động liều lĩnh, tàn bạo, các phần tử khủng bố Al-Qaeda, IS luôn luôn tìm mọi cách để gây ra những tội ác kinh hoàng. Do vậy, việc tăng cường cảnh giác, hợp tác thúc đẩy cuộc đấu tranh chống khủng bố trên quy mô toàn cầu trở thành nhiệm vụ cấp bách của tất cả các quốc gia.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.