Việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) làm vấn đề hạt nhân của Tehran càng trở nên rối rắm. Nhiều yếu tố bất hòa đẩy Tehran và Washington tới bên miệng hố chiến tranh.
Trước hết là sự bất đồng giữa Mỹ với các cường quốc trong nhóm P5+1. Năm 2018, Mỹ rời JCPOA, áp đặt các biện pháp trừng phạt về chính trị và kinh tế nhằm vào Iran. Ngược lại, P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) tìm mọi cách để duy trì JCPOA.
Các đồng minh thân cận của Mỹ như Anh, Pháp, Đức vẫn coi việc Washington rút khỏi JCPOA làm châu Âu trở nên mất an toàn về an ninh hạt nhân. Các nước này gây áp lực để Mỹ không rời khỏi JCPOA nhưng đã thất bại trước một Donald Trump cứng rắn và quyết đoán. Vì thế, Anh, Pháp, Đức đã cùng Liên minh châu Âu (EU) tìm cơ chế hợp tác kinh tế với Tehran để duy trì JCPOA.
Trong khi đó, Mỹ cố dồn Iran vào chân tường bằng các biện pháp trừng phạt về chính trị, kinh tế nặng nề, nhất là lĩnh vực năng lượng - điều mà Tehran gọi là “khủng bố” kinh tế. Ngoài ra, Mỹ tăng cường tiềm lực quân sự, hợp tác với một số nước trong khu vực để khi chiến tranh xảy ra thì cùng hành động.
Không chịu lép vế, ngoài việc bắn hạ máy bay do thám của Mỹ, Iran tuyên bố giảm dần việc tuân thủ các cam kết trong JCPOA sau mỗi 60 ngày, trừ khi các nước lớn bảo vệ Tehran trước các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Tehran đã gia tăng mức độ làm giàu uranium trên giới hạn 3,67%.
Động thái của Iran gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia cảnh báo rằng, bất kỳ tính toán sai lầm nào trong cuộc khủng hoảng này sẽ có khả năng bùng nổ thành xung đột, trong bối cảnh Tổng thống Trump từng suýt ra lệnh tấn công Iran do Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ.
Tuy nhiên, Iran vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao để cứu vãn JCPOA. Cả Mỹ lẫn Iran đều không muốn chiến tranh, nhưng để ngồi vào bàn đàm phán thì hai bên có những điều kiện trái ngược nhau.
Điều kiện của Iran là Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Còn điều kiện của Washington là Tehran phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, chấm dứt các hoạt động bạo lực ở khu vực Trung Đông, bao gồm cả việc tiến hành và hậu thuẫn cho khủng bố trên toàn cầu - như khẳng định của Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton. Mỹ đang tìm kiếm một thỏa thuận với Iran được Quốc hội phê chuẩn nhằm thay thế cho JCPOA.
Việc tháo gỡ căng thẳng Mỹ - Iran được xem là “phép thử” năng lực ngoại giao của EU và một tính toán sai lầm có thể cắt đứt hẳn sợi dây mong manh níu giữ thỏa thuận hạt nhân. Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine cho rằng: “Cần hiểu những gì đang xảy ra và đó không phải là trò diễn, dàn dựng. Mối quan tâm thực sự của ông Trump là xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân mà cựu Tổng thống Barack Obama để lại, bởi ông Trump bị ám ảnh rằng tất cả những gì ông Obama làm đều không tốt và tồi tệ. Ông Trump muốn bóp nghẹt Iran…”.
Đến thời điểm này, cả Mỹ lẫn Iran đều tung ra những “ngón đòn” được cho là mạnh nhất nhằm gây áp lực lẫn nhau cũng như các bên liên quan. Nhưng một khi “chiến tranh” không phải là sự lựa chọn, chí ít trong những ngày vừa qua, thì đàm phán sẽ là con đường duy nhất để giải quyết khủng hoảng. Song, Mỹ và Iran ngồi vào bàn đàm phán với vị thế ra sao, kết quả như thế nào hiện vẫn là câu hỏi lớn.
TUYẾT MINH