Chiến thuật "gây sức ép tối đa"

.

Mỹ chỉ tìm cách ngăn chặn Iran chứ không muốn khơi mào chiến tranh. Đó là khẳng định của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan trong lúc có những lo ngại rằng căng thẳng giữa Washington và Tehran có nguy cơ leo thang thành xung đột.

Trong khi đó, Iran cho rằng, các động thái của Mỹ như: trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ, bóp nghẹt nền kinh tế của Tehran; triển khai một nhóm tấn công gồm tàu sân bay và một phi đội máy bay ném bom tới Trung Đông; Hải quân Mỹ tiến hành tập trận tại biển Arab cùng một nhóm tác chiến tàu sân bay được lệnh tới vịnh Persian trước đó… chỉ là “tâm lý chiến” và là “trò chính trị”.

Hôm 18-5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng hạ thấp khả năng xảy ra một cuộc chiến mới trong khu vực và khẳng định Tehran phản đối chiến tranh. “Khủng bố về kinh tế và công kích mang tính diệt chủng sẽ không thể xóa sổ được Iran”, ông Zarif viết trên Twitter.

Song, Iran tuyên bố sẽ đối đầu với Mỹ nếu Washington cố tình gây chiến. Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, lựa chọn duy nhất của nước Cộng hòa Hồi giáo này là phản kháng bởi tình hình hiện nay không phù hợp để đàm phán.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran bị đẩy lên một nấc mới khi Tehran thông báo tăng sản lượng uranium làm giàu, tức một tuần sau khi nước này chính thức tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân quốc tế mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015. Theo đó, mức giới hạn sản xuất uranium có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng uranium dư thừa có thể xuất khẩu sẽ không còn được Tehran áp dụng.

Các nước trong khu vực cũng có những động thái giúp ngăn ngừa xung đột. Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulahziz Al Saud đã mời lãnh đạo các nước vùng Vịnh và Arab tham dự hai hội nghị khẩn, dự kiến diễn ra ở Mecca vào ngày 30-5 tới để bàn về tình trạng căng thẳng gia tăng hiện nay, trong đó có các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các tàu thương mại ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và đường ống dẫn dầu chính của Saudi Arabia, cùng sự ổn định của nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.

Giám đốc Hội đồng Mỹ - Iran (AIC), GS. Hooshang Amirahmadi cho rằng, căng thẳng giữa Washington và Tehran có thể dẫn đến xung đột quân sự khi hai bên đang hành động vô cùng cảm tính. Theo GS. Amirahmadi, sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Tehran vô cùng nguy hiểm, có tính rủi ro rất cao trong tình trạng quân đội hai nước đã gần như chạm trán nhau.

GS. Amirahmadi chỉ rõ: “Cách tốt hơn dĩ nhiên là đàm phán về một lối thoát, nhưng Iran không có khả năng đàm phán trên cơ sở bình đẳng và Tehran có lý khi cảm thấy sẽ thất bại thảm hại tại bàn đàm phán… Về phía Mỹ, Tổng thống Trump lại khẳng định việc Tehran muốn đàm phán, trong khi ông tiếp tục gây thêm sức ép quân sự đi kèm với những biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt”.

Ông Amirahmadi nhận định, Mỹ sẽ không ngay lập tức sử dụng vũ lực chống Iran, nhưng nếu tiếp tục thất vọng với kết quả mà các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như thể hiện sức mạnh mang lại (nhằm buộc Iran đàm phán), ông Trump có thể sử dụng vũ lực khi Israel và Saudi Arabia cũng đang kêu gọi Washington tấn công Tehran.

Các nhà phân tích khác cho rằng, Mỹ sử dụng chiến thuật “gây sức ép tối đa” với Iran, để buộc Tehran phải đàm phán và Washington đương nhiên giành ưu thế trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, hiện ông Trump vẫn chưa đề nghị đàm phán với Iran và tuyên bố nếu Iran muốn đàm phán thì nước này sẽ phải đưa ra đề nghị.

Lập trường của Tổng thống Donald Trump (gây sức ép tối đa) khác biệt so với lập trường của người tiền nhiệm Barack Obama (hòa giải). Bên cạnh ông Trump còn có Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton với tư tưởng “diều hâu”, xem Iran là đối thủ “không đội trời chung” và muốn kiềm chế Tehran gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Diễn biến trên cho thấy, việc Mỹ và Iran đều tuyên bố không muốn chiến tranh, nhưng có những lời lẽ đe dọa hoặc kháng cự lẫn nhau trong bối cảnh cùng dàn binh bố trận là động thái rất nguy hiểm. Nếu có một tình huống cảm tính bất ngờ không được kiểm soát xảy ra, đây sẽ là cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng nhất so với các cuộc chiến tranh vùng Vịnh trước đó.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.