Vì sao thỏa thuận Mỹ - Taliban "chết yểu"?

.

Sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh nhằm vào Afghanistan để xóa bỏ chính quyền Taliban - lực lượng bảo trợ cho Osama bin Laden, trùm khủng bố của tổ chức Al-Qaeda.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ và các đồng minh đến nay không nhổ tận gốc Taliban, mà lực lượng này đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, không chỉ đe dọa tiến trình hòa bình ở Afghanistan mà còn là chỗ dựa cho Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Vì thế, bên cạnh giải pháp quân sự, Mỹ phải chọn đàm phán với Taliban để kết thúc cuộc chiến kéo dài 18 năm ở Afghanistan.

Qua 9 vòng đàm phán, Mỹ và Taliban tiến gần một thỏa thuận. Theo đó, Mỹ sẽ rút 5.000 binh sĩ và đóng cửa 5 căn cứ quân sự tại Afghanistan trong vòng 135 ngày. Đổi lại, Taliban không cho phép các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda hay IS lợi dụng Afghanistan làm “bàn đạp” để tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Mỹ và các đồng minh.

Thế nhưng, trước ngày diễn ra đàm phán bí mật để hoàn tất thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp này và nói rằng, “thỏa thuận hòa bình với Taliban đã chết yểu”. Ông Trump không chấp nhận việc Taliban thực hiện vụ tấn công tại một trạm kiểm soát gần trụ sở NATO và Đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan vào ngày 6-9, làm 12 người chết, trong đó có 1 binh sĩ Mỹ. Đây là căn nguyên chính hay có một lý do nào khác?

Thực tế, giới chức Afghanistan chỉ trích thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban vì cho rằng thỏa thuận hòa bình đầy đủ hoàn toàn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán trong nội bộ của quốc gia Nam Á này. Nhưng Taliban vẫn khăng khăng từ chối đàm phán với chính phủ Afghanistan.

Ở một khía cạnh khác, việc ông Trump bất ngờ quyết định chấm dứt cuộc gặp do đàm phán bế tắc một số điểm căn bản trong thỏa thuận. Đặc biệt, với Tổng thống Mỹ, thỏa thuận hòa bình này sẽ ghi dấu thành tựu của ông nếu được ký tại Trại David - địa điểm mang tính lịch sử, nơi Tổng thống Jimmy Carter trước đây đã thành công trong việc hòa giải giữa Israel và Ai Cập (năm 1978). Giờ đây, ông Trump tưởng tượng mình cũng sẽ làm được một điều tương tự: tập hợp tại Trại David hai đối thủ tại Afghanistan (phe Taliban và chính phủ Kabul) để ký thỏa thuận hòa bình.

Nếu thành công, đây sẽ là màn trình diễn tuyệt vời. Nhưng kế hoạch về một cuộc gặp như thế tại Trại David ngay trước thềm kỷ niệm sự kiện 11-9-2001 đã gây ra những phản ứng tại Mỹ. Đảng Cộng hòa cho rằng, “không một thành viên Taliban nào được phép đặt chân đến đây (Trại David), không bao giờ”.

Đánh giá về sự đổ vỡ thỏa thuận hòa bình với Taliban, nhật báo Le Monde (Pháp) bình luận, ông Trump đã phạm hai sai lầm: một là, coi Taliban là “các đối tác đáng tin cậy”; hai là, dường như ông đã “đánh giá thấp sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ Mỹ” - những phản đối quyết liệt trong nội bộ chống lại dự án hòa bình này, nhất là từ Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu đàm phán có thể nối lại không? Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên tục giải thích với báo giới rằng “một thỏa thuận về nguyên tắc” vẫn tiếp tục trên bàn sau “rất nhiều tiến bộ”. Việc nối lại đối thoại tùy thuộc thái độ của Taliban. Phía Taliban cũng thừa nhận sẵn sàng đàm phán tiếp.

hưng dư luận cho rằng, ẩn số lớn là quan hệ giữa chính phủ Afghanistan với Taliban. Kabul không tham gia tiến trình đàm phán Mỹ - Taliban và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani chỉ được thông báo về thỏa thuận hòa bình hồi tuần trước. Quan hệ giữa hai thế lực chính tại Afghanistan lại càng khó lường hơn khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 28-9.

Vậy là vấn đề hòa bình ở Afghanistan vẫn là bài toán khó cho các bên liên quan.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.