Chỉ vài giờ trước khi Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự chung (GSOMIA) hết hiệu lực, chính phủ Hàn Quốc ngày 22-11 ra thông báo gia hạn hiệp định này kèm theo một số điều kiện. Kéo dài thời gian hiệu lực của GSOMIA là động thái bất ngờ vì cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản trước đó đều kiên quyết giữ lập trường cứng rắn về việc kết thúc hiệu lực của hiệp định vốn được hai nước ký kết năm 2016 nhằm đối phó các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nhận định, quyết định của chính phủ Hàn Quốc dựa trên quan điểm chiến lược: hợp tác song phương Nhật Bản - Hàn Quốc và hợp tác ba bên Nhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc rất quan trọng trong việc đối phó với Triều Tiên. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, quyết định của Seoul bắt nguồn trên cơ sở nhận định rằng, liên kết Nhật Bản - Mỹ, Nhật Bản - Hàn Quốc và Nhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc rất quan trọng trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực Đông Á đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, ngày 25-11, Nhật Bản và Hàn Quốc rơi vào cuộc tranh cãi về lý do “giải cứu” GSOMIA vào phút cuối và chưa biết hai bên sẽ định đoạt số phận của nó ra sao. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Seoul quyết định gia hạn GSOMIA vì Nhật Bản đã tỏ ra “biết điều” và đồng ý xem xét lại các lệnh hạn chế xuất khẩu với nước này. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sau đó tuyên bố, nước ông không nhượng bộ thương mại với Hàn Quốc.
Việc hai quốc gia ở Đông Bắc Á mâu thuẫn và đẩy quan hệ xuống mức thấp, không chỉ gây phương hại cho hai nước này, mà còn gây bất lợi cho Mỹ, nhất là trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mâu thuẫn xuất phát từ việc tòa án Hàn Quốc hồi cuối năm 2018 tuyên buộc một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định vấn đề đã được giải quyết khi hai nước bình thường hóa quan hệ và Tokyo đã viện trợ cho Hàn Quốc 500 triệu USD.
Căng thẳng leo thang vào đầu tháng 7-2019 khi Nhật Bản siết chặt các quy định xuất khẩu các loại vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, cho rằng hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul với các mặt hàng nhạy cảm lỏng lẻo. Hàn Quốc đáp lại bằng việc loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy của Seoul.
Giới quan sát kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Abe Shinzo diễn ra vào tháng 12 tới sẽ sưởi ấm mối quan hệ giữa hai nước láng giềng. Trong một động thái xoa dịu căng thẳng, phía Hàn Quốc ngày 27-11 đề xuất dự luật thành lập quỹ bồi thường chung nhằm giải quyết vấn đề cưỡng bức lao động trong thời kỳ chiến tranh với Nhật Bản. Song, hiện không rõ các nạn nhân có chấp nhận đề xuất này hay không.
TUYẾT MINH