Liên quân Mỹ - Saudi Arabia trước những thách thức

.

Saudi Arabia là “gã khổng lồ” về tài chính do nguồn thu dầu mỏ hằng năm mang lại. Cũng từ sự giàu có đó, Saudi Arabia đã chi hàng trăm tỷ USD mua sắm các loại vũ khí tối tân của Mỹ và các nước phương Tây khác để không ngừng hiện đại hóa quân đội.

Mặt khác, sau Israel, Saudi Arabia là đồng minh chiến lược của Mỹ, là trụ cột trong chính sách địa chính trị của Washington ở Trung Đông, nhất là trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh, hay xung đột ở Syria, Yemen những năm gần đây. Đặc biệt, trong vấn đề Iran, Saudi Arabia được Mỹ lựa chọn là nhân tố quan trọng cho cuộc đối đầu.

Liên minh Mỹ - Saudi Arabia dựa trên nguyên tắc “dầu hỏa đổi lấy bảo đảm an ninh”. Hiệp ước Quincy năm 1945 cho phép Mỹ độc quyền tiếp cận nguồn dầu hỏa đổi lấy việc bảo đảm quân sự cho Saudi Arabia. Vì thế, Mỹ không ngần ngại hỗ trợ Saudi Arabia cả về chính trị lẫn quân sự để ứng phó với tình hình tại khu vực này. Tuy nhiên, liên minh Mỹ - Saudi Arabia đang đứng trước những thách thức, mà 3 sự kiện diễn ra trong vài năm trở lại đây là một ví dụ.

Một là, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2-10-2018 gây chấn động thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của nước này. Mỹ đã “bao biện” cho hành vi của Saudi Arabia trước công luận.

Hai là, vụ 10 máy bay không người lái (UAV) tấn công 2 nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais ở miền đông Saudi Arabia ngày 14-9 khiến nước này tổn thất 5,7 triệu thùng dầu mỗi ngày. Vụ việc đặt ra câu hỏi: lực lượng phòng không hiện đại của Saudi Arabia cùng đồng minh Mỹ đang ở đâu khi UAV từ bên ngoài tấn công bất ngờ vào các cơ sở năng lượng hàng đầu mà không có sự đáp trả nào? Trong những ngày qua, Mỹ tăng cường binh sĩ và vũ khí đến Saudi Arabia để bảo vệ đồng minh theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ba là, Saudi Arabia đang đứng đầu liên minh Arab tham gia cuộc chiến dai dẳng chống lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen. Lực lượng Houthi tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 29-9 rằng, vụ tấn công diễn ra trước đó tại khu vực phía nam Najran của Saudi Arabia, nơi có biên giới với Yemen, đã tiêu diệt 500 binh sĩ, bắt sống 2.000 binh sĩ khác và tịch thu một đoàn xe quân sự của Saudi Arabia.

Vụ tấn công nói trên truyền đi thông điệp rõ ràng từ phía Houthi đến liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu rằng, họ vẫn sẵn sàng chiến đấu trước một đội quân được cho là tinh nhuệ, nhưng thực tế không đủ sức mạnh tinh thần để chống chọi. Hơn thế, đây là lời cảnh báo quân đội Saudi Arabia có thể gặp cảnh tương tự trên chiến trường Syria khi tham gia “sứ mệnh” theo yêu cầu của Mỹ.

Tại Trung Đông, Iran và Saudi Arabia là hai kẻ thù không đội trời chung, luôn cạnh tranh nhau về ý thức hệ để chi phối khu vực. Cuộc nội chiến tại Yemen là một minh chứng. Cho nên, khi xảy ra vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu, hay sự lớn mạnh của lực lượng Houthi thì cả Saudi Arabia lẫn Mỹ đều quy trách nhiệm cho Iran.

Các nhà quan sát cho rằng, Iran đang khai thác điểm yếu nhất của Saudi Arabia để đánh vào liên minh Mỹ - Saudi Arabia, khiến Washington lung túng khi đối phó với Tehran. Trong khi đó, dù biết Iran “có thể là thủ phạm” trong các vụ việc, nhưng Saudi Arabia không “mạnh tay” đối đầu. Thậm chí, Mỹ cũng lên kế hoạch tấn công Iran, nhưng lại “buông bỏ” vào giờ chót để không bi “sa lầy” vào một cuộc chiến mà các bên liên quan đều không thắng.

Đáng chú ý, trả lời phỏng vấn chương trình “60 phút” của đài CBS mới đây, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho biết, ông nghiêng về giải pháp chính trị và hòa bình trong quan hệ với Iran hơn là sử dụng vũ lực. Còn Iran tuyên bố sẵn sàng đàm phán với tất cả các nước vùng Vịnh về việc thành lập một liên minh khu vực để bảo đảm an ninh trong bối cảnh xảy ra xung đột.

Nếu những sáng kiến đó thành hiện thực, liên minh Mỹ - Saudi Arbia sẽ suy yếu, nhưng nguy cơ xung đột sẽ giảm thiểu và an ninh khu vực từng bước ổn định.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.