Chuyến thăm mang nhiều mục đích

.

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các thành viên trong đoàn màn tiếp đón hoành tráng, tươi vui, đầy màu sắc trong chuyến thăm kéo dài 36 giờ từ ngày 24-2. Đằng sau đó là cơ hội để đôi bên tìm kiếm những mục đích khác nhau về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh.

Thông qua chuyến thăm, Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định mối quan hệ chiến lược Mỹ - Ấn, tạo dựng hình ảnh nước Mỹ tại một quốc gia đông dân; thúc đẩy thương mại, hợp tác quốc phòng để củng cố vị trí của Mỹ tại Nam Á, kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Đồng thời, chuyến thăm cũng phản ánh chiến lược vận động tái tranh cử của ông Trump, thể hiện hình ảnh của ông với vai trò tổng thống trong một chuyến đi dù ngắn nhưng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các phụ tá của Tổng thống Trump cho rằng, chuyến thăm này có thể giúp ông thu hút hàng chục nghìn cử tri Mỹ gốc Ấn trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Modi cũng coi chuyến thăm của lãnh đạo Mỹ là thời cơ quan trọng trong bối cảnh ông chưa thể thực hiện cam kết tranh cử là tạo công ăn việc làm. Mặc dù chiến thắng vang dội trong tổng tuyển cử năm 2019 nhưng ông Modi đang bị phản đối mạnh mẽ vì sửa đổi Luật Công dân mà các nhà phê bình cho là nhằm vào người Hồi giáo.

Vì thế, Ấn Độ đã dành cho Tổng thống Trump cuộc tiếp đón mà gần như ông chưa từng thấy trong nhiều chuyến công du nước ngoài kể từ khi nhậm chức đến nay. Thành phố Ahmedabad náo nhiệt hẳn, đường phố chật cứng người, khắp nơi là hàng trăm bảng quảng cáo khổng lồ in hình Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân Mỹ.

Đặc biệt, hơn 100.000 người ngồi chật kín sân vận động cricket lớn nhất thế giới chờ sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ. Đây có lẽ là lượng khán giả đông nhất nghe Tổng thống Trump phát biểu. Mọi người trong sân vận động đội mũ lưỡi trai in tên sự kiện “Namaste, Trump”, nghĩa là trịnh trọng hoan nghênh Tổng thống Trump...

Đối với chủ nhân Nhà Trắng, chuyến công du là cơ hội để Mỹ xích lại gần hơn một đồng minh chiến lược ở châu Á. Để tăng cường sức mạnh quân sự, Ấn Độ không ngừng mua vũ khí, nhất là hợp đồng khoảng 5 tỷ USD với Nga. Và dường như để tái cân bằng, Ấn Độ cũng hứa mua gần 3 tỷ USD trang thiết bị quân sự của Mỹ, trong đó có 24 máy bay trực thăng của nhà sản xuất Lockheed Martin. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể bán cho Ấn Độ hệ thống radar, tên lửa phòng không và nhiều loại vũ khí khác trị giá lên đến khoảng 1,8 tỷ USD.

Một nội dung quan trọng là thỏa thuận thương mại Mỹ - Ấn đang bế tắc vì vấn đề thuế quan và kiểm soát giá. Quan điểm “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump xung đột với chủ trương bảo hộ “sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Modi. Tuy nhiên, đối với Mỹ, Ấn Độ không chỉ là đối tác ngoại giao và quân sự, mà còn là một trong những thị trường lớn trên thế giới. Chinh phục được thị trường Ấn Độ còn là cơ hội để Mỹ tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc, thậm chí vượt qua Bắc Kinh để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của New Delhi. Theo ông Trump, Mỹ và Ấn đang trong giai đoạn đầu của tiến trình đàm phán để đạt được một thỏa thuận thương mại “phi thường”.

Năm 2017, ông Trump thúc đẩy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương “rộng mở và tự do, dựa trên luật pháp quốc tế” nhằm bổ sung cho chính sách của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là nhằm khống chế các mối đe dọa từ Trung Quốc. New Delhi cũng thông báo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương riêng vào tháng 1-2020, trong đó Ấn Độ trở thành trung tâm. Sự tương đồng của Mỹ - Ấn về chính sách này tạo cơ hội cho hai nước thắt chặt quan hệ, hoạch định chiến lược lâu dài để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.

Có thể nói, dù có những khác biệt trong nhiều vấn đề, nhưng cả Mỹ lẫn Ấn Độ đều có mục tiêu lớn chung để đưa mối quan hệ song phương này tiến xa.    

TUYẾT MINH

 

;
;
.
.
.
.
.