Cuối tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” mà ông gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”, bao gồm 50 trang cho phần chính trị và 30 trang cho phần kinh tế, đưa ra chi tiết về cách thức giải quyết xung đột Israel - Palestine.
Mấu chốt của “Thỏa thuận thế kỷ” là phần chính trị, trong đó đề xuất giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. “Thỏa thuận thế kỷ” coi việc thành lập nhà nước Palestine độc lập với thủ đô chỉ là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện nghiêm ngặt cụ thể như trước hết người Palestine phải công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - điều mà Palestine luôn kiên quyết bác bỏ.
Tổng thống Trump cũng đưa ra một bản đồ đề xuất phác thảo hai nhà nước; theo đó, Palestine có quyền kiểm soát vùng diện tích lãnh thổ lớn gấp đôi, xây dựng một đường hầm nối Bờ Tây và Dải Gaza.
Với Israel, Mỹ sẽ công nhận các khu định cư của Israel xây dựng tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine tại khu Bờ Tây, những khu định cư Do Thái đang bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc Washington công nhận chủ quyền của Israel tại một phần khu vực Bờ Tây, bao gồm thung lũng Jordan và tất cả cộng đồng người Do Thái tại Bờ Tây. Đổi lại, Israel phải dừng các hoạt động xây dựng khu định cư mới trong vòng 4 năm trong khi đàm phán vấn đề nhà nước Palestine. Đồng thời, Jerusalem sẽ tiếp tục “là thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Israel”.
Những điểm chính của “Thỏa thuận thế kỷ” đã được chính phủ của Tổng thống Trump “dọn đường” từ trước, khi lần lượt công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (tháng 12-2017), chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem (tháng 5-2018), công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel (tháng 3-2019) và mới nhất là ủng hộ Israel trong việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở các vùng đất chiếm đóng của Palestine ở Bờ Tây… Điều đó cho thấy “Thỏa thuận thế kỷ” lộ rõ sự thiên vị đối với Israel, coi nhẹ quyền lợi chính đáng của người Palestine đã được cộng đồng quốc tế công nhận.
Dĩ nhiên người Palestine phản đối “Thỏa thuận thế kỷ”. Tại hội nghị an ninh Munich ở Đức mới đây, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho rằng, kế hoạch này không khác gì một biên bản ghi nhớ giữa ông Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Theo ông Shtayyeh, “Thỏa thuận thế kỷ” sẽ dẫn đến một nhà nước Palestine trong tương lai bị phân tách rời rạc và “không có chủ quyền,” trong khi cho phép Israel sáp nhập những phần lãnh thổ rộng lớn của Bờ Tây.
Cùng với Palestine, nhiều quốc gia khác như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran… cũng cho rằng, “Thỏa thuận thế kỷ” đã “chết yểu” và coi đây là kế hoạch thôn tính hủy hoại giải pháp hai nhà nước, cưỡng đoạt trắng trợn lãnh thổ của người Palestine.
Trong phiên họp mở “Tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine” của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) diễn ra ở New York (Mỹ) ngày 11-2, các nước ủy viên HĐBA LHQ gồm Bỉ, Estonia, Pháp, Đức cùng Ba Lan - quốc gia vừa hết nhiệm kỳ tại cơ quan này khẳng định: “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” đi chệch những giới hạn được cộng đồng quốc tế nhất trí. Đến nay, các nghị quyết liên quan của LHQ đều hướng tới giải pháp công bằng, toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột dai dẳng Israel - Palestine, trên cơ sở nguyên tắc hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình; theo đó Israel phải rút khỏi vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép, Palestine thành lập một nhà nước độc lập theo đường biên giới trước năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem.
Diễn biến đó cho thấy, mặc dù ông Trump tuyên bố đây là “kế hoạch tốt” và là “cơ hội lịch sử” để Palestine cuối cùng cũng thành lập nhà nước độc lập, nhưng cả giới lãnh đạo lẫn người dân Palestine và cộng đồng quốc tế đều cho rằng, “Thỏa thuận thế kỷ” không dựa trên sự cân bằng lợi ích của các bên mà chỉ nhằm phục vụ toan tính của Mỹ và Israel. Như vậy, kế hoạch mà Mỹ đã chuẩn bị trong nhiều năm đương nhiên không thể tạo ra đột phá, mà nó sẽ chỉ hủy hoại triển vọng đàm phán, đồng thời làm gia tăng xung đột Palestine - Israel.
TUYẾT MINH