Covid-19 xuất hiện và đạt đến đỉnh điểm ở Trung Quốc, rồi sau đó lan rộng và bất ngờ bùng phát ở nhiều nước như Hàn Quốc, Ý, Iran, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh…, làm cả thế giới chao đảo. Đến nay, Covid-19 xuất hiện ở hơn 160 quốc gia/vùng lãnh thổ, có hơn 198.000 người nhiễm bệnh, 8.131 người tử vong và mức độ lây nhiễm, tử vong vẫn chưa dừng lại.
Trước diễn biến phức tạp đó, nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, giám sát nghiêm ngặt và thực hiện cấm bay. Đại dịch Covid-19 tạo ra hàng loạt “cơn sốt” về khẩu trang, thiết bị y tế, thực phẩm, các nguyên liệu sản xuất do các chuỗi cung ứng bị ngưng trệ, hay gây nên “sự đen tối” của thị trường chứng khoán và giá xăng dầu.
Tại Trung Quốc, ổ dịch đầu tiên và lớn nhất thế giới, chính phủ dự báo, Covid-19 khiến kinh tế nước này giảm 0,3 điểm phần trăm, xuống còn 5,8% năm 2020. Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) ước tính, Covid-19 có thể làm Trung Quốc giảm từ 0,5 - 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP thực tế trong năm 2020, thậm chí sẽ chỉ còn tăng trưởng 5,9 - 4,9% GDP; trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch và vận tải; nền kinh tế Trung Quốc có thể bước vào trạng thái “ngủ đông”…
Tuần trước, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu có thể sụt giảm còn 1% trong năm nay. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. IIF công bố dự báo này trước khi giá dầu thế giới lao dốc 30% hôm 9-3, khiến thị trường chứng khoán đảo lộn. IIF thậm chí dự báo nguy cơ nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong năm 2020 là rất lớn.
Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng của Canada đều dự báo nguy cơ khủng hoảng tài chính sẽ xuất hiện. Còn theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, “lục địa già” sẽ rơi vào tình cảnh tương tự cuộc khủng hoảng 2008 nếu các chính phủ không bắt tay ngăn chặn. Ủy ban châu Âu (EC) mới đây dự đoán EU và khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ có thể rơi vào suy thoái kinh tế trong năm 2020, dù hồi tháng 2 vừa qua đưa ra dự báo kinh tế eurozone có thể tăng trưởng 1,2% trong hai năm 2020 và 2021.
Tác động khác biệt mà Covid-19 tạo ra còn nằm ở một khía cạnh nguy hiểm hơn rất nhiều, như nhà kinh tế David Rosenberg nhận định: “Trong khủng hoảng tài chính năm 2008, vận tải hàng không đâu có bị ngưng, biên giới đâu có bị đóng, chúng ta đâu có nói về phong tỏa và cách ly. Trong khủng hoảng tài chính 2008, mọi người đâu có sợ rời khỏi nhà. Chúng ta đang nói về một nỗi sợ hữu hình khiến mọi người rút khỏi hoạt động kinh tế... Khủng hoảng tài chính đâu có đi kèm tỷ lệ tử vong”. Ông Brian Kingston, Phó Chủ tịch chính sách của Hội đồng Kinh doanh Canada đánh giá: Ngành nhà hàng, khách sạn, vận tải hành khách, du lịch... tiếp tục chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh.
Ông Kingston giải thích về chuỗi hệ quả mang tính domino: “Nếu tình hình leo thang đến mức mọi người được khuyến nghị hạn chế ra khỏi nhà, nó sẽ thành một câu chuyện tiêu dùng với các ảnh hưởng lớn hơn. Nếu các gia đình ngừng chi tiêu, cửa hàng, quán ăn sẽ điêu đứng, rồi các khoản tiêu dùng lớn khác cũng ảnh hưởng theo, ví dụ như bất động sản. Nếu doanh nghiệp sa thải hoặc cho nhân viên tạm nghỉ, thu nhập người dân sẽ giảm...”.
Có thể thấy, tác động của Covid-19 vô cùng to lớn cả về chính trị lẫn kinh tế, xã hội. Do vậy, chung tay để ngăn ngừa dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế là nhiệm vụ cấp bách hiện nay không chỉ của các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp các nước, mà đòi hỏi sự chung tay. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gửi thông điệp kêu gọi các chính phủ trên thế giới khẩn cấp hành động ứng phó với đại dịch Covid-19, để cùng nhau vượt qua mối đe dọa này.
TUYẾT MINH