Thách thức từ khủng hoảng kép

.

Từ ngày đầu năm của thập niên thứ hai thế kỷ 21, thế giới đối mặt với Covid-19 được xem là chưa có tiền lệ trong lịch sử đương đại. Covid-19 đã xâm nhập 198 quốc gia và vùng lãnh thổ; làm hơn 400.000 người nhiễm bệnh và cướp đi mạng sống của hơn 18.000 người. Nhiều quốc gia, khu vực có nền y tế hiện đại, việc kiểm dịch vào loại tốt nhất như Mỹ và các nước châu Âu… nhanh chóng trở thành tâm dịch. Chính các nước giàu có này cũng không còn chủ quan với Covid-19 nữa.

Cuộc chạy đua để đối phó với đại dịch Covid-19 đang diễn ra khẩn trương. Các nhà lãnh đạo liên tục đưa ra những cảnh báo, thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn, tung ra nhiều gói tài chính lên đến hàng ngàn tỷ USD để chống dịch và cứu nền kinh tế có nguy cơ sụp đổ. Các nhà khoa học ngày đêm miệt mài tìm thuốc chữa trị và vaccine phòng bệnh. Các y, bác sĩ lên tuyến đầu chống dịch, chăm sóc người bệnh đến cạn kiệt sức lực…

Mặt khác, chưa bao giờ mà hàng loạt quốc gia, vùng lãnh thổ phải tuyên bố đóng cửa biên giới, phong tỏa cả nước, cấm công dân không có nhiệm vụ cần thiết đi ra đường, không được tụ tập dưới mọi hình thức... Du lịch bị ngưng trệ. Các tuyến lưu thông chỉ dành cho vận tải hàng hóa thiết yếu.

Những gì đang diễn ra cho thấy đại dịch Covid-19 đang tạo cuộc khủng hoảng lớn và toàn diện, tác động sâu sắc đến mọi mặt của cuộc sống con người, trong đó có lòng tin. Trên một bình diện nào đó, Covid-19 đã và đang làm thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá cũng như sự tương tác giữa các quốc gia, giữa các nền kinh tế về cách giải quyết trước sự lan tràn dịch bệnh.

Bài “Thế giới hậu đại dịch Covid-19” của Yuval Harari đăng trên tờ Financial Times số ra ngày 21-3 viết: “Nhân loại đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Có lẽ đây là khủng hoảng lớn nhất đối với thế hệ chúng ta. Những quyết định mà người dân và các chính phủ đưa ra trong mấy tuần tới có thể sẽ định hình thế giới trong tương lai. Không chỉ hệ thống y tế bị ảnh hưởng lớn mà còn cả kinh tế, chính trị và văn hóa”.

Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine cho rằng, khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra, điều chưa từng có kể từ thời kỳ các cuộc chiến tranh thế giới, cho thấy hoặc xác nhận một sự việc: hiện chưa có một cộng đồng quốc tế thực sự, hoặc cộng đồng quốc tế chưa được chuẩn bị để đối mặt với đại dịch toàn cầu. Ông Védrine chỉ rõ: “Chúng ta thấy không tồn tại các hệ thống đa phương thực sự có khả năng hành động hiệu quả (từ Liên Hợp Quốc, đến Tổ chức Y tế thế giới - WHO, từ G7 đến G20…). Và chúng ta cũng thấy EU đã được hình dung như một thế giới lý tưởng, một thế giới không phải đương đầu với bi kịch. Chúng ta cũng từng biết đã có nhiều phong trào phản kháng, mang tính thường trực, thu hút đông đảo người tham gia và đầy thách thức, nhưng chính cuộc khủng hoảng hiện nay mới cho thấy rõ thực trạng này”. Nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế vẫn loay hoay tìm giải pháp mà chưa có sự tập hợp sức mạnh mang tính toàn cầu để ngăn chặn đại dịch.

Về kinh tế, các chuyên gia cảnh báo không thể tránh khỏi suy thoái toàn cầu. Chẳng hạn, tăng trưởng của Mỹ - nền kinh tế số một thế giới bị dừng lại. Theo báo Wall Street Journal, các ngành sản xuất của Mỹ có thể bị thiệt hại đến 1.500 tỷ USD. Các phân tích của hãng bảo hiểm Allianz cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng và có thể vượt mức 6%.

Có thể nói, Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng kép trên nhiều phương diện với những thách thức vô cùng nghiêm trọng cho mọi quốc gia, vùng lãnh thổ về trước mắt cũng như lâu dài. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của cả cộng đồng quốc tế để ngăn ngừa dịch bệnh cũng như từng bước ổn định kinh tế, chăm lo sức khỏe và cuộc sống của người dân.

TUYẾT MINH

 

;
;
.
.
.
.
.