Cuối cùng thì Mỹ và Taliban đã ký thỏa thuận lịch sử tại Doha (Qatar) vào cuối tháng 2 vừa qua, mở đường cho tiến trình rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan.
Theo đó, Mỹ sẽ bước đầu giảm quy mô hiện diện quân sự tại Afghanistan xuống còn 8.600 binh sĩ trong vòng 135 ngày kể từ khi ký thỏa thuận, trong trường hợp các điều kiện được đáp ứng. Sau đợt rút quân đầu tiên, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tiến tới rút toàn bộ binh sĩ, tiến trình này có thể kéo dài trong vòng 1 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi.
Mỹ và Taliban cũng nhất trí trao đổi tù nhân. Khoảng 5.000 tù nhân Taliban và 1.000 tù nhân thuộc lực lượng an ninh Afghanistan sẽ được trao đổi trước ngày 10-3, trước khi diễn ra đàm phán trong nội bộ quốc gia Tây Nam Á này.
Mỹ còn cam kết dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Taliban và kêu gọi Liên Hợp Quốc hành động tương tự. Đổi lại, Taliban “loại trừ mọi hành vi khủng bố xuất phát từ lãnh thổ Afghanistan trong những khu vực do Taliban kiểm soát; cấm mọi tổ chức, trong đó có Al-Qaeda, xem Afghanistan như địa bàn để làm phương hại đến an ninh của Mỹ và đồng minh của Mỹ”. Đồng thời, Taliban chấp nhận đàm phán với chính quyền Kabul.
Thỏa thuận được đánh giá là bước đi quan trọng đầu tiên nhằm hướng tới hòa bình lâu dài tại Afghanistan. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo, Washington sẽ không do dự hủy bỏ thỏa thuận nếu Taliban không thực hiện việc bảo đảm an ninh cũng như cam kết đàm phán với chính phủ Afghanistan. Lời cảnh báo này phản ánh mối lo ngại của Mỹ bởi thực tế không phải lúc nào lực lượng Taliban cũng tuân thủ cam kết. Còn Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, lực lượng phương Tây sẽ chỉ rút khỏi Afghanistan nếu Taliban giữ cam kết giảm bạo lực.
Chuyên gia phân tích Ahmad Saeedi nhận định, việc Taliban gia tăng các cuộc tấn công cho thấy phiến quân tin rằng cần phải giữ chiến trường căng thẳng để có thể giành thắng lợi trên bàn đàm phán, giống như những gì đã làm trong các vòng đàm phán với Mỹ.
Đáng chú ý, chính phủ Afghanistan vẫn chưa đồng ý trao đổi tù nhân. Ngoài ra, Afghanistan cũng khó chấp nhận đề xuất của Taliban về sửa đổi Hiến pháp theo quan điểm Hồi giáo.
Về phía Mỹ, dù tỏ ra lạc quan về thỏa thuận hòa bình ký với Taliban, nhưng Washington vẫn sẽ đối mặt với các thách thức an ninh và các mối đe dọa liên quan đến phiến quân tại Afghanistan. Bất kỳ cuộc tấn công mới nào do lực lượng phiến quân tại Afghanistan tiến hành nhằm vào các lợi ích của Mỹ sẽ là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Washington trong việc đạt được thắng lợi cuối cùng khi tham chiến tại quốc gia Tây Nam Á này.
Cựu cố vấn tham mưu trưởng liên quân Mỹ Carter Malkasian cảnh báo, tình hình có thể thay đổi nếu Mỹ rút đi trước khi Taliban và chính phủ Afghanistan đạt được thỏa thuận chính trị. Theo ông, sau khi Mỹ rút quân, Taliban sẽ nhận thấy sự thay đổi trong cân bằng lực lượng và không tuân thủ các cam kết.
Một thách thức lớn khác mà Mỹ sẽ phải tính đến là làm thế nào để các tay súng Taliban tái hòa nhập xã hội. Trong một báo cáo gần đây, Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) John Sopko nhấn mạnh, quá trình tái hòa nhập phức tạp và mất nhiều thời gian.
Để làm được điều đó, chính phủ Mỹ phải hỗ trợ tài chính lớn, nếu không thì khoảng 60.000 tay súng Taliban sẽ có nguy cơ quay lại bạo lực, bởi một trong những yếu tố để các tay súng của Taliban tham chiến là thiếu việc làm, nghèo đói và bị các phần tử Hồi giáo cực đoan kích động.
Vì vậy, thỏa thuận hòa bình nhằm tiến tới chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử mà Mỹ từng tham chiến chỉ là bước khởi đầu mà thôi. Còn số phận nó ra sao thì phải nhìn vào thực tế ở Afghanistan trong những ngày sắp đến.
TUYẾT MINH