Hai biến cố tạo nên một làn sóng

.

Trong một thời gian dài, Trung Quốc được ví như “công xưởng của thế giới”, nhất là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU)... đều phụ thuộc nhiều vào các chuỗi cung ứng từ quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc trong năm 2017 đạt khoảng 1.800 tỷ USD, chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, hai biến cố liên tiếp đã tạo nên làn sóng chuyển dịch các doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi Trung Quốc đại lục.

Một là, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Kể từ khi Mỹ bắt đầu áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, số doanh nghiệp nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới ngày càng một gia tăng. Chẳng hạn, Google và Microsoft đã tiên phong thúc đẩy quá trình di dời các nhà máy của họ sang khu vực khác của châu Á. Tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ thúc đẩy các đối tác chính chuyển 15-30% cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Gotech - hãng điện tử lớn của Trung Quốc - đã bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất tai nghe cho Apple ra nước ngoài. Hai hãng công nghệ khác của Mỹ là HP và Dell lên kế hoạch chuyển 30% sản lượng máy tính xách tay tại Trung Quốc sang các khu vực như Đông Nam Á. Hãng sản xuất thiết bị trò chơi điện tử Nintendo, hay hãng sản xuất máy móc xây dựng Komatsu của Nhật Bản cũng thông báo chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã đóng cửa nhà máy sản xuất cuối cùng tại Trung Quốc vào tháng 9-2019 khi thị phần điện thoại di động thông minh của họ ở nền kinh tế lớn thứ hai sụt giảm trong nhiều năm và hiện chỉ còn dưới 1%.

Hai là, đại dịch Covid-19.

Trước đây, các công ty Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... đã chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì giá lao động tăng và ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Từ đầu năm 2020 đến nay, sức ép từ Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình này. Chẳng hạn, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đề xuất chính sách “rời khỏi Trung Quốc”, xây dựng nền kinh tế ít phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhật Bản khởi động chương trình tài trợ nhằm khuyến khích các nhà sản xuất của nước này dịch chuyển các điểm sản xuất ở nước ngoài sang Đông Nam Á. Theo đó, Tokyo chi 220 tỷ yen (hơn 2 tỷ USD) để thúc đẩy sản xuất trong nước đối với các mặt hàng hiện phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ sử dụng Luật Sản xuất quốc phòng để yêu cầu một số hãng sản xuất ô-tô chuyển sang sản xuất dụng cụ y tế phục vụ chống Covid-19. Hàng loạt dự luật được đưa ra tại Quốc hội Mỹ để chống lại việc phụ thuộc Trung Quốc. Chẳng hạn, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio giới thiệu dự luật giảm phụ thuộc Trung Quốc trong chuỗi cung ứng. Ông Marco Rubio nói: “Một khi đất nước hồi phục sau cuộc khủng hoảng chưa từng có này, chúng ta phải thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh và phòng ngừa rủi ro đối với chuỗi cung ứng vốn đã được đại dịch Covid-19 phơi bày. Thật không may là phải đợi đến khi đại dịch bùng phát toàn cầu mới thể hiện rõ mối đe dọa từ việc đặt dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc”. Hồi tháng 3, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton đưa ra một dự luật khác, yêu cầu cấm tài trợ liên bang cho các hãng dược Trung Quốc và áp dụng quy tắc nghiêm ngặt hơn về ghi nhãn xuất xứ.

EU cũng không ngoại lệ. Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan lên tiếng rằng, khối này sẽ tìm cách “giảm sự lệ thuộc thương mại” sau đại dịch.

Có thể nói, cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 đã làm “thức tỉnh” nhiều nền kinh tế lớn vốn lâu nay phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Các nền kinh tế này buộc phải đẩy nhanh quá trình chuyển dịch các doanh nghiệp quay trở về hoặc sang một khu vực khác.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.