Trong cuộc họp Hội đồng Quốc phòng ngày 18-10 để bàn các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: “Những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ không thể ngủ yên trên đất nước của chúng ta”. Sau cuộc họp, ông Macron thông báo “kế hoạch hành động” nhằm vào những “hiệp hội, cá nhân thân cận với giới Hồi giáo cực đoan và thường có những lời kêu gọi kích động hận thù”.
Những ngày qua, nước Pháp chấn động sau khi một đối tượng 18 tuổi sát hại thầy giáo Samuel Paty ở vùng ngoại ô Conflans Saint-Honorine, cách thủ đô Paris khoảng 30km về phía tây bắc. Vụ việc khiến nhiều người liên tưởng đến làn sóng khủng bố của những đối tượng Hồi giáo cực đoan hồi năm 2015 sau khi tòa soạn báo Charlie Hebdo đăng tải các hình ảnh biếm họa về đấng tiên tri Mohammed. Vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo dường như mở màn một đợt khủng bố chưa từng có nhằm vào nước Pháp.
Từ đó đến nay, mặc dù chính phủ Pháp nỗ lực hết mình để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng khủng bố, nhưng nỗi đau và sự sợ hãi về nạn tấn công khủng bố vẫn còn đó. Nước Pháp ngày càng đối đầu với một hình thức khủng bố khó lường trước, vì thủ phạm là những người hành động một mình, thường là những kẻ có tâm thần không ổn định, dễ bị kích động và theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Thay vì dùng súng ống, những người này lại dùng loại vũ khí rất đơn giản, đó là dùng dao để hành động.
Giờ đây, nước Pháp vẫn sống dưới mối đe dọa khủng bố, nhưng các thủ phạm đã thể hiện bằng những hình thức khác tinh vi và ngày càng khó kiểm soát hơn. Ngày 19-10, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin tuyên bố chính phủ sẽ không dung túng cho những đối tượng gây tổn hại đến an ninh quốc gia. Trong suốt tuần này, cơ quan Nhà nước Pháp kiểm tra tổng cộng 51 hiệp hội và nhiều hiệp hội trong số này sẽ bị giải tán vì liên quan đến các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Các báo Pháp trong những ngày qua đều dành nhiều bài viết để phản ánh quyết tâm hành động của chính phủ trước đòi hỏi của dư luận xã hội về việc cần phải có ngay những biện pháp mạnh mẽ bài trừ những phong trào Hồi giáo cực đoan. Xã luận của nhật báo Le Monde (Pháp) mang tiêu đề “Để không còn phải chết vì dạy học” kêu gọi cần phải ủng hộ mạnh mẽ các nhà giáo, coi họ là những người trên tuyến đầu chống Hồi giáo cực đoan, giống như nhân viên y tế là những người trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Cả nước, mỗi người dân phải đoàn kết với đội ngũ giáo viên, ủng hộ họ thay vì làm cho họ trở nên yếu ớt, bảo vệ họ thay vì chỉ trích họ, nhằm bảo đảm ở Pháp sẽ không bao giờ có ai chết vì dạy học.
Trong khi đó, nhật báo Le Figaro có bài viết nhấn mạnh: Để chống lại có hiệu quả chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nước Pháp cần phải được vũ trang lại toàn bộ, từ suy nghĩ cho đến hệ thống pháp luật, chính sách nhập cư, quyền tị nạn, quyền của trẻ vị thành niên... và phải hành động một cách mạnh mẽ thì nước Pháp mới có thể chiến thắng được Hồi giáo cực đoan và những kẻ cuồng tín vốn dĩ chỉ muốn nước Pháp phải câm lặng.
Có thể nói, việc loại trừ nạn khủng bố ra khỏi đời sống xã hội để nỗi đau và sự sợ hãi không còn đeo bám là cuộc chiến quyết liệt, lâu dài, không chỉ là câu chuyện của người dân và chính phủ Pháp, mà còn cần có cả sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế.
TUYẾT MINH