Giáo dục

Sinh viên thời hội nhập

10:11, 06/04/2008 (GMT+7)

Được tiếp cận với những thành tựu khoa học-kỹ thuật hiện đại, sinh viên (SV) thời nay may mắn sở hữu một môi trường học tập hoàn toàn thuận lợi. Thế nhưng, không phải SV nào cũng tìm thấy ở đó cơ hội tiến thân mà những thế hệ cha anh ngày trước nằm mơ cũng chẳng thấy.

Bằng cấp hay kiến thức?

Chỉ cần nhấp chuột hay ấn phím là đã tiếp cận vô số nguồn tài liệu mới.
Lướt qua danh sách 10 tài năng trẻ được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Giải thưởng công nghệ thông tin (CNTT) thanh niên mang tên “Quả cầu Vàng” năm 2007, thật nể phục trước thành tích không chê vào đâu được của các bạn trẻ. Đứng đầu “Top 10” này là Nguyễn Minh Trí, đại diện duy nhất của Việt Nam đoạt giải ba cuộc thi Robot tự động tại vùng Tây Mỹ, đoạt giải thưởng của Tổng thống Mỹ dành cho SV. Tại buổi lễ tôn vinh diễn ra cuối năm ngoái, có thêm 40 SV nữ được trao tặng Phần thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực CNTT”, ghi nhận những đóng góp tích cực không thua kém ai của “dân kẹp tóc”.

Ở Đà Nẵng, Nguyễn Văn Thạnh, sinh viên khoa Hóa Trường Đại học Bách khoa từng được nhiều người biết đến qua một bài báo năm 2006 nhằm kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người để giúp Thạnh vượt qua cơn nguy kịch do căn bệnh hiểm nghèo máu khó đông. Chuyện sẽ không có gì, nếu Thạnh không dùng chính số tiền trợ giúp của bạn đọc để làm một việc có ích cho cộng đồng: Lập trang web www.maukhodong.net để giúp đỡ những người mắc bệnh như mình. Và, Ngân hàng Thế giới đã chọn công trình của Thạnh để trao Giải thưởng Ngày Sáng tạo Việt Nam năm 2006 là hoàn toàn xứng đáng.

Ngày nay, SV đã biết cách “đứng trên vai người khổng lồ” là các thành tựu khoa học kỹ thuật để thăng tiến trong học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, thành công như các bạn trẻ nêu trên hiện không nhiều.

Trong thời đại bùng nổ CNTT, có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật, SV sờ đâu cũng ra... kiến thức. Ngồi một chỗ, lang thang qua các trang web là có thể “trên tinh thiên văn, dưới tường địa lý”. SV thuộc hạng “con nhà” được trang bị tận răng các thiết bị hiện đại như máy vi tính, điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số... là điều bình thường, nhưng không ít SV thuộc tầng lớp trung lưu, thậm chí nghèo, vẫn cố “vận dụng” các khoản tiền nào đó để trang bị cho bằng được. Để làm gì? T.V, SV năm 3 Đại học Bách khoa không giấu giếm: Làm phương tiện học tập thì ít, giải quyết “khâu oai” thì nhiều.

Ỷ lại vào những tiện ích của khoa học kỹ thuật, SV dễ đâm ra lơ là bài vở. Hệ quả của lối học “cưỡi ngựa xem hoa” này là tình trạng kiến thức tuy rộng nhưng không sâu, SV thường thụ động trong học tập. Theo số liệu khảo sát mới đây của báo Tuổi Trẻ thì chỉ 30% trong số những SV được hỏi có thái độ tích cực trong học tập, trong khi có đến 60% chọn giải pháp học đối phó. Điều đáng buồn, động cơ học tập của không ít SV thời nay là rất thực dụng: Học để lấy bằng cấp chứ không phải để lấy kiến thức. Trong khi một số SV như các bạn trẻ nêu trên khẳng định cái “chất” SV thời đại mới bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của mình thì phần lớn còn lại chỉ biết hí hửng khoe tấm bằng cử nhân sau một thời gian học... đại ở đại học mà không biết rằng trong trường hợp mình, nó chỉ là giấy chứng nhận “năng lực ảo”.

Chất lượng nguồn nhân lực

Chất lượng sinh viên sẽ quyết định chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

Do không được hướng dẫn một cách rõ ràng và khoa học cách tự học nên nhiều sinh viên cứ đến mùa thi là học đại, học theo kiểu hên xui, được chăng hay chớ… nên kết quả không cao. Ngoài ra, phương pháp lên lớp của một số giảng viên hiện chưa thực sự khoa học, phần lớn dạy theo kinh nghiệm, không chịu bổ sung, cập nhật kiến thức. Trong khi đó, SV chỉ cần nhấp chuột hay ấn phím là đã tiếp cận vô số nguồn tài liệu mới, đem đối chiếu với kiến thức của thầy truyền đạt là cảm thấy hụt hẫng, chán nản.

Không ít SV thay vì tự học đã tự... chơi hàng giờ bằng các game trên máy vi tính. Nếu nói rằng, chiếc máy vi tính của nhiều SV, nhiều phòng trọ chỉ toàn chứa trò chơi và phim thì hơi quá. Cũng vẫn còn nhiều bạn sử dụng nó để đánh luận văn, làm bài, học tập,... nhưng chỉ khi... cần mà thôi!

Hiện nay, SV còn phải gồng mình lên để “sống chung với giá” trong khi áp lực học để có được tấm bằng ngày càng nặng. Chính áp lực này đã dẫn đến hiện trạng dần định hình rõ rệt thành hai tuýp SV: Vừa học vừa chơi, hoặc chỉ biết học và học. Nếu ở tuýp thứ nhất dễ xảy ra nguy cơ hụt hẫng về kiến thức, dễ bị đuổi học thì đối với tuýp thứ hai tình trạng cũng không sáng sủa hơn - mệt mỏi, căng thẳng khiến sức khỏe suy sụp, tách mình ra khỏi thế giới bên ngoài...


 

Theo điều tra của Thạc sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Giảng viên Khoa Giáo dục học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM), hiện có 60% SV sống khép mình, ít tham gia hoạt động xã hội; 10% SV hướng vào vui chơi, hưởng thụ; 30% SV say mê học tập.

 
Hiện có nhiều tổ chức để SV tham gia các hoạt động xã hội như Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên... Các chiến dịch tình nguyện, các buổi làm từ thiện, sinh hoạt cộng đồng là môi trường giúp phát hiện những cá nhân có khả năng lãnh đạo, điều hành. Nếu tách mình ra khỏi thế giới này, SV sẽ đánh mất cơ hội được giao lưu, học hỏi những nhân tố điển hình trong và ngoài nước, vừa mở rộng kiến thức vừa khẳng định năng lực bản thân trước yêu cầu xã hội.

Một số SV thời nay cho rằng câu nói vui “Học không chơi phí hoài tuổi trẻ/ Chơi không học đốt cháy tương lai” đã trở nên lạc hậu, phải được thay bằng “Học không yêu phí hoài tuổi trẻ/ Yêu không học đốt cháy tương lai”. Họ sa vào sống thử, sống như vợ chồng... và hậu quả là phá thai, nghỉ học... Trong khi không ít SV có đầu óc kinh doanh làm giàu, định hướng tương lai ngay từ ghế giảng đường, thì rất tiếc, vẫn còn một bộ phận SV thừa tiền nhưng thiếu học tự “đốt cháy tương lai” chính mình.

“Đất nước ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO và thị trường lao động cũng phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ. Nếu chúng ta không kịp thời chuyển hướng việc đào tạo đội ngũ nhân lực phù hợp với yêu cầu mới thì người lao động sẽ bị thất bại ngay trên sân nhà”. GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã phát biểu như vậy tại Hội thảo “Miền Trung - Vận hội mới cho đầu tư và phát triển” diễn ra ở Đà Nẵng cuối tháng 3 vừa qua. Nếu số SV sống khép mình, ham chơi hơn ham học “kịp thời chuyển hướng”, xã hội sẽ được cứu một bàn thua trông thấy bằng nguồn nhân lực có chất lượng. 

VĂN THÀNH LÊ 

.