.

Học sinh Việt ở Đức

.

Thành tích của học sinh người Việt ở Đức như phát hiện của TS Nguyễn Sỹ Phương là nhờ hội nhập sớm, sâu và toàn diện vào xã hội bản địa. Những con người hội nhập ấy đã như một gạch nối cho sự thành công mang bản sắc Việt Nam trên bản đồ thế giới.

duc1.jpg
Tên gọi Vũ Kim Hoàn tháng trước xuất hiện trên hầu hết các trang báo mạng Đức bàn về giáo dục, hay ngoại kiều – một dịp cho truyền thông Đức tiếp tục sôi động những khám phá về hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt ở Đức, được bàn đến lâu nay. Cô học trò nổi tiếng nước Đức nói trên đang học lớp 10 trường phổ thông phân ban Romain-Rolland-Gymnasium, Dresden. Sinh ngày 17.10.1994, lúc lên bốn Hoàn cùng mẹ, và chị gái hơn bảy tuổi, sang Đức đoàn tụ với bố nguyên là công nhân lao động hợp tác thời Đông Đức.

Đặt chân tới Đức, bé Hoàn bốn tuổi, không hề biết một từ tiếng Đức, bố mẹ bận làm ăn tối mày tối mặt phải gửi vào nhà trẻ, suốt ngày chơi với chúng bạn bất đồng ngôn ngữ, chỉ xì xồ với chỉ trỏ; tình cảnh bắt buộc này lại bất ngờ tạo cơ hội cho Hoàn tự động hoà nhập xã hội Đức từ tấm bé. Đó cũng là lý do đầu tiên được nhiều nhà giáo dục Đức dùng để lý giải hiện tượng kỳ lạ: học sinh người Việt học giỏi nổi trội đặc biệt, đứng đầu mọi sắc tộc ngoại quốc, và vượt cả người bản địa, thể hiện ở tỷ lệ học sinh học khá giỏi cấp phổ thông cơ sở được chọn vào hệ phổ thông phân ban 12 năm, tốt nghiệp hệ này sẽ vào thẳng đại học, đạt tới 59%, gấp năm lần nhiều sắc tộc khác, bỏ sau học sinh Đức chỉ 43%.

Sau hai năm mẫu giáo, bé Hoàn nhập học trường phổ thông cơ sở Johanna, Dresden. Sẵn tính tự lập từ nhà trẻ và hiếu động, cả bốn năm tại trường này, bé là thành viên tích cực đa năng của câu lạc bộ AG. AG là tên viết tắt của chương trình đào tạo ngoại khoá được nhà trường tổ chức thành nhóm, dưới hình thức thực hành, phân theo bộ môn, dành cho những học sinh ham thích môn học đó gia nhập tự nguyện, nên có thể gọi là câu lạc bộ, nhưng là một công đoạn cực kỳ quan trọng trong công nghệ giáo dục thực hiện nguyên lý phát triển tối đa năng khiếu, thiên hướng từng cá thể học sinh, bổ sung cho chương trình chính khoá – một điều kiện ưu việt không thể có đầy đủ trong nước, làm nền tảng cho học sinh Việt ở Đức học giỏi ngay từ những bước khởi đầu.

Năng nổ, học giỏi mọi môn, từ lớp 3 bé Hoàn được bầu làm lớp trưởng (một chức năng ở Đức không mang nghĩa quyền lực, giới hạn chỉ ở trách nhiệm thay mặt, gọi là phát ngôn viên, bởi họ quan niệm, học sinh trước hết phải được thực hành bình đẳng, không ai được quyền uy hơn – nền tảng cho một xã hội dân chủ sau này của thế hệ chúng). Cô bé lớp trưởng kết thúc cấp học cơ sở bốn năm của mình bằng một sổ học bạ tổng kết tất cả các môn với điểm tối đa tròn trĩnh 1/1 (tức 10/10 ở ta), đủ mọi năng khiếu, có quyền được chọn vào bất cứ trường phổ thông phân ban nào. Rốt cuộc, bé chọn trường phân ban ngoại ngữ, Romain-Rolland-Gymnasium, Dresden, vào lớp học chuyên sâu tiếng Pháp, sau khi đỗ cuộc thi trắc nghiệm năng khiếu ngôn ngữ. Chương trình đào tạo lớp học này coi tiếng Pháp không hẳn là ngoại ngữ, mà đóng vai trò như tiếng mẹ đẻ để học các môn khác tự chọn; Hoàn thích hai môn địa lý và lịch sử. Tới lớp 6, Hoàn tham gia cuộc thi Olympic ngoại ngữ toàn liên bang đoạt giải nhì đồng đội. Sang lớp 7, Hoàn học thêm nhóm AG tiếng Ý, rồi từ lớp 8 học tiếp tiếng Tây Ban Nha. Giải thưởng học bổng mang tên Start-Stipendium Đức chuyên dành cho những học sinh từ lớp 8, gốc ngoại quốc học giỏi, hoạt động xã hội xuất sắc, đã trao tặng Hoàn ngay năm khởi đầu lớp 8, kéo dài cho đến kết thúc phổ thông, với trị giá 100 euro/tháng tiền mặt cùng 700 euro/năm bằng hiện vật, đồ dùng học tập, máy tính, máy in, kết nối internet, tham gia miễn phí các khoá học bồi dưỡng kiến thức khoa học tự nhiên, kỹ thuật, nghệ thuật, âm nhạc, chính trị và phát triển nhân cách. Hàng năm, toàn nước Đức có chừng 15 đến 20 học sinh người Việt nhận học bổng này trên tổng số chừng 200 học sinh đoạt giải, trong khi cả nước Đức chỉ có 0,1 triệu người Việt trên tổng số chừng 7 triệu người nước ngoài, chưa kể số đã nhập quốc tịch Đức. Học đi đôi với hành, năm 2010, nhóm AG của Hoàn đăng ký tham gia cuộc thi tìm hiểu dân chủ Victor-Klemperer-Wettbewerb – 60 Jahre Grundgesetz (60 năm hiến pháp), thể hiện bằng tiểu phẩm phim video. Cuốn phim này được xếp hạng sáu toàn liên bang.

Trước đó từ năm lớp 7, Hoàn đã tham gia tích cực nhóm AG đào tạo thực hành phóng viên mang tên Entdeckungsreise DDR – Hành trình khám phá Cộng hoà dân chủ Đức, thực hiện các phóng sự về cuộc sống của người dân thời Đông Đức, tập hợp thành bộ đĩa CD, cung cấp tư liệu lưu trữ cho các thư viện, cho nhà trường và chính quyền thành phố. Cũng từ nhiều năm nay, Hoàn với nhóm học của mình, tham gia tích cực vào chương trình Kunst und Sprache – Nghệ thuật và ngôn ngữ, thực hiện tại viện bảo tàng nghệ thuật Dresden nổi tiếng thế giới; từng học sinh chịu trách nhiệm thuyết minh bằng ngoại ngữ một hay nhiều tác phẩm nghệ thuật cho khách tới tham quan. Trong cuộc triển lãm gần nhất, chủ đề tôn giáo tại viện bảo tàng Hygiene Dresden, khách tham quan có thể tìm hiểu các tranh ảnh trưng bày bằng những trích đoạn video với lời thuyết minh tiếng Anh, hướng dẫn, giải thích, trả lời của Hoàn. Thành tích đặc biệt trên của Hoàn có được nhờ nguyên lý: giáo dục dựa trên nền tảng kinh tế, xã hội, trách nhiệm của nhà nước mọi cấp mọi ngành, được biến thành công nghệ thực hiện triệt để ở Đức; cuộc thi thực tế tìm hiểu dân chủ, khám phá Cộng hoà dân chủ Đức, chương trình nghệ thuật và ngôn ngữ... thuộc công nghệ đó.

duc2.jpg
Ngày lễ tốt nghiệp với niềm vui mùa xuân của du học sinh Việt Nam.
Chuẩn bị cho năm 2011, Hoàn đang triển khai chương trình Gặp mặt – Begegnungen, thông qua trưng bày, triển lãm, tập hợp học sinh hội thảo, đàm luận về những chủ đề thú vị do Hoàn hoạch định. Song song, Hoàn tham gia dạy thêm, kèm cặp các em lớp dưới học yếu các môn toán, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Sang lớp 9, nguyên cán bộ phụ trách học tập từ lớp 5, Hoàn được bầu làm lớp trưởng, khoá trưởng và uỷ viên hội đồng các lớp trưởng của trường Romain-Rolland-Gymnasium, đảm nhận tổ chức nhiều chương trình với vai trò đứng đầu, như chương trình Giúp đỡ học sinh lớp dưới – Patenklassen, hay tổ chức các buổi seminar cho các lớp trưởng. Học sinh nhờ đó đã không dừng lại ở đối tượng tiếp thu kiến thức truyền thụ từ thầy cô mà vươn lên chủ động, đóng vai trò tự tổ chức, cơ hội cho Hoàn khẳng định năng lực nổi trội của mình.

Phân ban nghĩa là hướng nghiệp, kết quả được phản ảnh qua kiểm tra và huấn luyện thực hành. Tháng 8.2010, hai tiểu bang Hamburg và Sachsen mở khoá huấn luyện thực hành đa ngôn ngữ cho khoá học lớp 10, kết quả tổng kết, Hoàn thi viết tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, và thi miệng tiếng Anh, giành vị trí số một trong tổng số 120 thí sinh.

Tiếng Anh, tiếng Pháp với Hoàn nay không còn là ngôn ngữ thuần tuý mà trở thành một bộ môn nghệ thuật cô đam mê thích thú nhất. Còn tiếng Việt? Khác với không ít học sinh Việt khác phát âm thường bị chệch, hoặc đứt kiểu “ông tây nói tiếng ta” hay “người ta nói tiếng tây”, cô học sinh đa ngôn ngữ này luôn chăm chút tiếng mẹ đẻ, theo học tiếng Việt đều đặn từ lớp 3, chuyện trò bằng tiếng Việt trong gia đình, ngoài cộng đồng, gắn bó mật thiết với gia đình, bạn bè, người thân, tạo nền tảng cho ngôn ngữ tiếng Việt của Hoàn thuần chuẩn khó pha trộn, như cha mẹ cô từng khuyên, “muốn học giỏi một ngoại ngữ nào, trước hết phải thông thạo tiếng mẹ đẻ đã”.

Vốn đầy ắp bao ước mơ, thời gian đối với Hoàn hiếm quý như vàng. Thực tế hiếm thời gian rỗi ở Hoàn cũng chính là phát hiện của các nhà nghiên cứu giáo dục Đức dùng để lý giải thêm hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt, chúng đầu tư thời gian cho học tập hơn học sinh Đức hàng nghìn tiết, bởi sức ép thành tích của các bậc cha mẹ Việt, đòi hỏi con cái phải hơn hẳn thế hệ bố mẹ, tuy không hiếm trường hợp áp lực nặng tới mức gây cho chúng hội chứng tâm thần.

Thực ra thành tích kỳ lạ của học sinh người Việt là nhờ hoà nhập sớm, sâu, và toàn diện vào xã hội Đức theo quy luật: chỉ có thể đuổi kịp và vượt, một khi hoà nhập vào tiến trình chung của thời đại; nước Nhật vươn lên hàng đầu thế giới nhờ cách tân kịp thời theo Âu châu lúc đó; còn triều Nguyễn cô lập với thế giới để bảo vệ ngai vàng bằng chính sách bế quan toả cảng, kết cục nước mất, dân tộc phát triển chậm kém!

TS NGUYỄN SỸ PHƯƠNG, CHLB ĐỨC/SGTT.VN

;
.
.
.
.
.