.

Nỗi niềm của những giáo viên kiêm nhiệm

.

Thiếu trầm trọng giáo viên nòng cốt, giáo viên cơ hữu, việc nhiều, người ít nên giáo viên giảng dạy ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp (TTGDTX-HN) ngoài đứng lớp còn phải kiêm nhiệm rất nhiều đầu việc khác như công tác đoàn thể, phổ cập giáo dục... Thế nhưng, mức thù lao một tiết dạy cho giáo viên thỉnh giảng ở các TTGDTX-HN hiện nay rất thấp...

Mô tả ảnh.
Giáo viên làm thí nghiệm để chuẩn bị cho giờ dạy tại TTGDTX-HN Thanh Khê.
Đến với học sinh bằng cả tấm lòng

Sau một thời gian dài giảng dạy môn Ngữ văn ở một trường phổ thông, cô giáo Bùi Thị Lan Anh xin chuyển về TTGDTX-HN Thanh Khê công tác. Thời gian đầu, cô gặp không ít khó khăn vì thu nhập thấp hơn, khó có thể dạy thêm, học viên cũng không có thời gian để toàn tâm toàn ý lo cho việc học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã bỏ học nhiều năm mới đi học lại... Nhưng rồi chính tình cảm của đồng nghiệp, nhất là sự đánh giá năng lực giáo viên và việc sắp xếp công việc phù hợp của lãnh đạo TT... đã khiến cho những băn khoăn, lo lắng trong cô cũng vơi bớt đi. 

Trong những tháng ngày dạy học ở đây, cô giáo Lan Anh đã không ít lần rơi nước mắt, khi phải động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường. Cô kể, đa số các em thiếu thốn tình cảm hoặc hoàn cảnh rất khó khăn. Ban đầu phải thông qua học trò này để hỏi chuyện học trò kia, nắm hoàn cảnh của các em để dễ gần gũi, động viên các em không bỏ học. Về phần mình, cô điều chỉnh cách dạy theo hướng trọng tâm hơn, nhiệt tình hơn, trách nhiệm hơn. Mỗi lần thấy học sinh thích thú với bài dạy của mình, đối với cô không có hạnh phúc nào hơn.

Đến nay, cô Trần Thị Thùy Nhung, giáo viên Anh văn đã công tác tại TTGDTX-HN Thanh Khê tròn 15 năm. Cô Nhung tâm sự: Môn Anh văn không phải là môn thi tốt nghiệp mà chỉ giúp các em thi lấy chứng chỉ trình độ A để cộng điểm thi tốt nghiệp. Tuy vậy, cô luôn giúp các em hình thành động cơ học tập tốt, làm cho học sinh thấy nhẹ nhàng, thoải mái để các em yêu thích môn học. Biết là khó, khổ nhưng không cách nào khác là giáo viên phải làm việc cật lực. Nhiều hôm hết tiết dạy, cổ họng khô rát, nhưng chỉ cần học sinh tâm sự cô giáo dạy dễ hiểu thì những mệt nhọc của mình đã được đền đáp rồi. Dạy học ở đây, giáo viên phải bình tĩnh và thương yêu học sinh, hiểu được hoàn cảnh của các em thì mới có thể dạy được. Để các em học tốt, giáo viên phải biết khơi dậy lòng tự trọng của học sinh.

Nỗi niềm ai tỏ

Theo ông Nguyễn Văn Thục - Giám đốc TTGDTX-HN Thanh Khê cho biết: “Ngoài việc mở các lớp bổ túc THPT, TT còn đảm nhận công tác phổ cập THCS; dạy nghề phổ thông... nhưng chỉ có 17 giáo viên cơ hữu. Trong số 17 giáo viên cơ hữu này thì cũng chỉ có 9 biên chế, còn lại là hợp đồng theo ngân sách. Việc nhiều, người ít nên số giáo viên THPT vừa đứng lớp, vừa phải kiêm nhiệm các công tác khác như Đoàn Thanh niên, Công đoàn, tổ trưởng, công tác Đảng... Số giáo viên dạy bậc THCS thì dạy phổ cập ban đêm, ban ngày đi làm công tác phổ cập, văn phòng...”. Lực lượng giáo viên đứng lớp của TT, vì thế trông cậy cả vào 22 giáo viên thỉnh giảng. Theo ông Thục, những giáo viên dạy TTGDTX-HN thường vì tấm lòng và trách nhiệm là chính. Nhờ khung học phí mới mà năm học này, chúng tôi đã có thể nâng mức chi trả cho giáo viên thỉnh giảng từ 15.000 đồng/tiết dạy lên 20.000 đồng/tiết. Biết là quá thấp so với mức chi dùng hiện nay, nhưng trong điều kiện mức thu học phí như hiện nay, TT cũng không thể trả cao hơn được.

Tương tự, ông Phạm Văn Xê, Giám đốc TTGDTX-HN thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, hiện nay, TT có 14 giáo viên thỉnh giảng. Mặc dù tiền tiết dạy thỉnh giảng đã được nâng từ 15.000 đồng/tiết lên 18.000 đồng /tiết, song vẫn còn quá thấp so với nhu cầu cuộc sống hiện nay. “Vì thu nhập thấp, đã có nhiều trường hợp giáo viên thỉnh giảng khi có việc khác là lập tức bỏ việc tại TT”, ông Xê cho biết thêm. 

Theo tìm hiểu, đây cũng là tình trạng chung của các TTGDTX-HN khác trên địa bàn thành phố đang gặp phải. Với mức thù lao như vậy, đã có không ít giáo viên thỉnh giảng của TTGDTX-HN vì những lý do khác nhau như điều kiện kinh tế, chuyển nơi ở theo gia đình… đã phải rời bục giảng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI-NGỌC ÁNH

;
.
.
.
.
.