.

Không để học sinh bỏ học vì hoàn cảnh

Đầu năm học 2010-2011, quận Cẩm Lệ có 14 học sinh bỏ học (trong đó THPT 6 em, bổ túc văn hóa 8 em), giảm 36 em so với năm học 2009-2010. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học là do học lực yếu, kém, tiếp thu chậm và lưu ban nhiều năm. Các cấp chính quyền, đoàn thể và ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) quận đã tập trung cho công tác vận động và biện pháp hỗ trợ để hạn chế học sinh bỏ học.

Ngành GD-ĐT lập danh sách cụ thể học sinh bỏ học theo từng lớp, từng trường và địa phương, lập kế hoạch quản lý học sinh, đặc biệt những học sinh có kết quả học tập và hạnh kiểm yếu, kém. Đồng thời, duy trì thường xuyên việc liên lạc với gia đình đối với những học sinh này, để có biện pháp phối hợp giúp đỡ, động viên các em chăm học và học tốt. Tại mỗi phường đều thành lập tổ quản lý, theo dõi học sinh bỏ học, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp giúp đỡ phù hợp với từng trường hợp như vận động ra lớp học lại, vận động đi học bổ túc, học nghề. Tổ tư vấn trong nhà trường, hằng tháng tổ chức gặp mặt những học sinh yếu kém, học sinh thuộc gia đình khó khăn có nguy cơ bỏ học nhằm định hướng các em về mục tiêu học tập, hướng dẫn phương pháp học tập, hướng nghiệp.

 Đồng thời với công tác vận động, ngành GD-ĐT quận tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tạo sự thoải mái, vui vẻ, tự tin cho học sinh khi đến trường. Phòng GD-ĐT quận thường xuyên kiểm tra tình hình giảng dạy và có biện pháp chấn chỉnh ngay đối với những giáo viên không bảo đảm chất lượng giờ dạy, chưa quan tâm đối với học sinh yếu kém hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Tại các lớp học, đều tổ chức phân công học sinh giỏi, khá giúp bạn học yếu, giáo viên dạy phụ đạo 2 buổi để học sinh yếu lấp lỗ hổng kiến thức và theo kịp chương trình. Ban giám hiệu biểu dương, động viên kịp thời các em học sinh yếu đã có cải thiện về thành tích học tập. Phòng GD-ĐT đã tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời cho các giáo viên có thành tích xuất sắc trong phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu-kém và chậm tiến bộ với số tiền 40 triệu đồng.

Không để học sinh nào bỏ học vì hoàn cảnh, chính quyền các phường đã thực hiện chính sách miễn giảm các khoản đóng góp trong nhà trường và giảm một số nghĩa vụ của địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền quận, phường và các hội đoàn thể vận động các tổ chức, nhà hảo tâm tham gia giúp đỡ cho 480 học sinh thuộc các gia đình khó khăn với tổng số tiền hơn 237 triệu đồng, trong đó có 282 suất học bổng,  51 chiếc xe đạp, 4 bộ quần áo, 5 bộ sách giáo khoa, 12.000 tập vở cho các học sinh và hỗ trợ chữa bệnh cho các em. Đặc biệt các trường: THPT Hòa Vang, THCS Nguyễn Văn Linh, THCS Nguyễn Thị Định và THCS Nguyễn Thiện Thuật đã xây dựng quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ cho học sinh nghèo với tổng số tiền 86,632 triệu đồng. Hội Khuyến học quận cũng đã vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp tặng 52 suất học bổng dài hạn cho các em, trợ cấp khó khăn 30 suất, 46 chiếc xe đạp với tổng số tiền 101,6 triệu đồng. Vừa qua, Quận Đoàn cũng tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ” đã vận động từ Chi đoàn Cảng Đà Nẵng, Thành Đoàn Đà Nẵng và các chi đoàn trực thuộc tặng 74 suất học bổng cho các em với tổng số tiền gần 70 triệu đồng.

Bằng những biện pháp tích cực, năm học 2009-2010, quận đã vận động 6 em trở lại trường, 2 em đi học bổ túc văn hóa, 20 em có việc làm ổn định, 7 em hiện đang học nghề, 9 em phụ giúp công việc làm ăn của gia đình, 4 em đang chữa bệnh sẽ đi học lại. Năm học 2010-2011, quận đã vận động được 4 em đi học nghề, 8 em có việc làm ổn định, chỉ còn lại 1 em đang chữa bệnh.

Đoàn Sơn
;
.
.
.
.
.