Giáo dục
Vì sao sinh viên bỏ học?
Chuyện sinh viên bỏ học chọn nghề khác tại các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) không còn lạ. Điều này không những gây khó cho nhà trường mà còn gây lãng phí cho người học và cả xã hội.
Nghề du lịch đang được nhiều bạn trẻ chọn học tại Đà Nẵng. |
Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) được biết đến là một trong những trường CĐ hàng đầu trên địa bàn thành phố với số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển hằng năm luôn ở mức cao. Như năm 2016, số sinh viên đăng ký nhập học tại trường lên đến 1.700.
Thế nhưng, cũng như một số trường hệ CĐ, trung cấp khác, sau 3 năm học, lượng sinh viên tốt nghiệp tại trường thường thấp hơn so với số nhập học ban đầu. Đơn cử như số sinh viên còn lại đến khi tốt nghiệp khóa 2013-2016 của Trường CĐ Công nghệ chỉ chiếm khoảng hơn 65% số nhập học.
Theo Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ, những con số về khóa đào tạo 2013-2016 đã phản ánh tình hình chung của các trường CĐ trong những năm gần đây. Số sinh viên bỏ học tăng dần hằng năm kể từ sau khóa đào tạo năm 2011. Hằng năm, trường tuyển khoảng 1.200 – 1.400 em nhưng có khoảng 300-400 em bỏ học. “Có em vào học được một học kỳ rồi bỏ vì dành thời gian ôn thi và xét tuyển ĐH. Cũng có em bỏ học để chọn ngành nghề khác”, PGS.TS Phan Cao Thọ cho biết. Để bù đắp vào lượng thiếu hụt, mỗi năm trường có đợt tuyển thêm một lần nữa vào khoảng tháng 1-2 với chỉ tiêu khoảng vài trăm em. Theo PGS.TS Phan Cao Thọ, việc lựa chọn lại của các em sau một thời gian theo học không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền bạc của các em mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý của nhà trường.
Trường CĐ Nghề Đà Nẵng cũng là một trong những địa chỉ uy tín và được nhiều học sinh chọn lựa bởi mức học phí khá “mềm” và nhiều cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, hằng năm, trường tuyển khoảng 1.500-2.000 em; trong số đó, lượng sinh viên hao hụt dần cho đến khi tốt nghiệp là khoảng 12%. “Một số em không theo học được do học không nổi. Số khác trở lại ôn thi ĐH hoặc chọn nghề khác cũng trong trường mình”, ông Sơn cho biết.
Việc sinh viên chọn lại ngành không chỉ xảy ra ở các trường CĐ, mà có cả ở những trường ĐH lớn. PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết, hằng năm, trường tuyển khoảng hơn 2.000 sinh viên. Tuy nhiên một số ngành như: Cử nhân Vật lý, Cử nhân Toán… vẫn có sự hao hụt do sinh viên nghỉ học để thi lại ngành khác phù hợp hơn.
Những điều trên phần nào cho thấy, việc định hướng cho học sinh, sinh viên lập nghiệp và học nghề tại các trường ở Đà Nẵng còn nhiều hạn chế. Nguyễn Tú (20 tuổi, ở quận Thanh Khê) cho biết, sau 2 năm học nghề kế toán tại một trường CĐ ở Đà Nẵng, em đã bỏ học và chuyển sang học nghề về du lịch. “Thực sự trước đây em chọn nghề chủ yếu do bạn bè rủ rê chứ chưa có định hướng và cũng không hề có khái niệm gì về nghề. Bây giờ mới biết mình không hợp với những con số khô khan mà hợp với nghề pha chế hơn. Hơn nữa, ngành kế toán giờ khó tìm việc nên em chuyển ngành mới vì sợ thất nghiệp”, Tú cho biết.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp và đại học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, do tâm lý bằng cấp còn nặng nề trong một bộ phận phụ huynh, học sinh nên ảnh hưởng đến sự chọn nghề nghiệp của các em. Tại nhiều phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức, nhu cầu nguồn lao động có tay nghề, công nhân kỹ thuật, cơ khí khá lớn, trong khi số lao động có bằng cấp cao không thiếu nhưng lại không được nhận. Theo ông Phan Văn Sơn, giữa việc lựa chọn nghề theo sở thích và nhu cầu thị trường luôn có sự lệch pha. Bởi vậy, hiện nay, các em nên tập trung vào những ngành xã hội đang cần như: du lịch, lắp đặt điện, công nghệ ô-tô, gò hàn… để có thể dễ dàng xin việc sau khi ra trường.
Bài và ảnh: KIM NGÂN