Giáo dục
Linh hoạt áp dụng "trường học mới"
Mô hình trường học mới (Vnen) được triển khai tại Đà Nẵng từ năm học 2015-2016. Bên cạnh ưu điểm phát huy tính sáng tạo, chủ động của người học, mô hình này còn bộc lộ những hạn chế, nhất là khi sĩ số học sinh trong lớp quá cao.
Sĩ số học sinh tại mỗi lớp quá đông nên Trường tiểu học Lê Quang Sung phải tạm dừng triển khai mô hình Vnen. |
Trường tiểu học Lê Quang Sung (quận Thanh khê) là một trong 3 đơn vị thực hiện thí điểm mô hình Vnen ở khối lớp 2 và khối lớp 3 trong năm học 2015-2016. Mô hình Vnen với cách dạy hướng đến việc học tập chủ động của học sinh, dạy học thông qua tổ chức các hoạt động, tăng cường học tập cá thể và phối hợp với học tập hợp tác. Trong mỗi lớp, các em tổ chức thành 4-6 nhóm nhỏ.
Các thành viên trong nhóm phải bộc lộ suy nghĩ, hiểu biết, thái độ của mình nhằm phát triển các kỹ năng, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức cộng đồng. Phương pháp này hướng người được giáo dục trở thành người tự giáo dục và hoàn toàn tự giác, chủ động cũng như ý thức về sự giáo dục của bản thân.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đắc Nhơn, Hiệu trưởng nhà trường, ưu điểm dễ nhận thấy của mô hình Vnen là học sinh khá tự tin thể hiện vai trò lãnh đạo, quản lý; đồng thời các giáo viên cũng hoàn thành tốt vai trò quan sát, giúp đỡ các em khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, do sĩ số học sinh ở từng lớp quá đông (khoảng 40-45 em/lớp) nên mô hình này còn bộc lộ những hạn chế.
“Lớp học quá đông nên giáo viên không thể bao quát cả lớp trong một tiết học. Vì vậy, chất lượng học tập không bảo đảm. Do phòng học cũ và chật chội nên việc kê bàn học chưa hiệu quả, các em phải xoay người mới quan sát được trên bảng. Ngoài ra, chương trình đòi hỏi nhiều đồ dùng thiết bị dạy học nhưng kinh phí không có nên giáo viên phải tự bỏ kinh phí và hội phụ huynh các lớp phải hỗ trợ”, ông Nguyễn Đắc Nhơn cho biết.
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy theo chương trình Vnen vào năm học trước, cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Trường tiểu học Lê Quang Sung chia sẻ: “Các em phải học nhóm hết tiết này sang tiết khác nên nói chuyện riêng. Nhiều em chưa tích cực tham gia hoạt động nhóm, ỷ lại các bạn học khá nên việc học kém hiệu quả”.
Bởi vậy, trong năm học này, Trường tiểu học Lê Quang Sung dừng việc triển khai mô hình Vnen. Ông Nguyễn Đắc Nhơn cho biết sẽ áp dụng một phần mô hình này để phù hợp với tình hình hiện có. Chẳng hạn như, phát huy thế mạnh của việc học nhóm nhưng không liên tục mà mỗi tháng một lần và thay vì làm 6 nhóm thì chỉ tiến hành 2 nhóm/lớp.
Còn với Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), mặc dù không được thí điểm mô hình Vnen nhưng nhà trường có áp dụng một vài điểm của mô hình trong dạy và học để phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phòng học các lớp khối lớp 1 và 2 đều được trang trí sinh động, bắt mắt theo kiểu Vnen; đồng thời, dù không xoay bàn nhưng các em đều tổ chức học nhóm thường xuyên. Tại mỗi lớp, học sinh tự ứng cử và bầu cán bộ lớp chứ không theo chỉ định của giáo viên như trước đây.
Hiện nay, tại Đà Nẵng có 20 trường đang triển khai mô hình Vnen và có 2 trường tạm dừng thực hiện mô hình này do sĩ số học sinh/lớp quá đông là Trường tiểu học Lê Quang Sung và Trường tiểu học Dũng sĩ Thanh Khê (quận Thanh Khê). Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc dạy học theo mô hình trường học mới không khác hoàn toàn so với phương pháp dạy học hiện hành, bởi việc học tập theo nhóm được áp dụng trong những năm học qua.
Tuy nhiên, việc dạy học theo mô hình mới có nhiều thuận lợi hơn như giáo viên không phải soạn bài mà có thời gian tập trung nghiên cứu nội dung và làm thêm đồ dùng dạy học. Tuy vậy, vai trò người thầy rất quan trọng khi phải sáng tạo, linh hoạt giải quyết các thắc mắc của học sinh. Việc dạy học theo mô hình mới còn giúp học sinh tự tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức, dựa vào tài liệu hướng dẫn học tập, hợp tác cùng bạn trong nhóm, giáo viên chỉ hỗ trợ khi cần thiết. “Thực hiện mô hình này giúp hình thành khả năng tự học cho học sinh, tổ chức cho học sinh hoạt động khám phá, phát hiện kiến thức, kỹ năng mới thông qua quá trình học tập mang tính hợp tác.
Đa số học sinh đã quen dần với các hoạt động tự học, tự quản, biết chia sẻ và hỗ trợ bạn. Một số học sinh chủ động tham gia học tập sôi nổi, hào hứng, biết sưu tầm và tổ chức các trò chơi mới cho các bạn trong lớp”, bà Hồ Thị Cẩm Bình nói.
Tuy vậy, theo bà Bình, tại nhiều trường, giáo viên còn lúng túng, bỡ ngỡ về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo mô hình Vnen. Tài liệu hướng dẫn học Vnen có chất lượng bìa và đóng gáy không bảo đảm nên chỉ sau vài tháng học đã hỏng.
Hơn nữa, tài liệu không bán rộng rãi nên khi mất, học sinh không mua lại được. Học sinh lớp 2 còn nhỏ nên chưa có kỹ năng làm việc độc lập, việc tự khai thác tài liệu với các em còn khó khăn. Bởi vậy, tại Đà Nẵng, tùy theo tình hình thực tế, mỗi trường có thể áp dụng mô hình Vnen theo hướng chủ động, linh hoạt và bảo đảm chất lượng dạy học.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ