Giáo dục
Thiếu liên kết "3 nhà" trong đào tạo nghề
* Sẽ chấm điểm các trường nghề
ĐNĐT-Ngày 8-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp đánh giá công tác đào tạo nghề trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố tổ chức hội chợ việc làm cho thanh niên. Ảnh: BÌNH AN |
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đà Nẵng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 56 cơ sở dạy nghề. Từ năm 2011 đến 2015, tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách và các dự án cho công tác dạy nghề trên 206 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, các cơ sở dạy nghề tuyển được 44.550 học viên. Các cơ sở dạy nghề cũng đã đào tạo miễn phí 6.613 lao động đặc thù và các lớp nghề dưới 3 tháng. So với giai đoạn trước, công tác dạy nghề có nhiều chuyển biến theo hướng bám nhu cầu thực tế tuyển dụng của xã hội, các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp (DN) bắt đầu có sự liên kết trong đào tạo và tuyển dụng. Tuy nhiên, một thực tế nổi lên hiện nay là công tác tuyển sinh của các trường, các cơ sở dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tuyển sinh hệ cao đẳng không đạt chỉ tiêu, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng.
Tại buổi làm việc, các ý kiến phát biểu của đại diện các trường cao đẳng nghề đều cho biết khó khăn điển hình nhất trong đào tạo nghề là việc triển khai mô hình đào tạo kép (liên kết giữa dạy lý thuyết ở trường học và thực hành tại DN trong suốt quá trình học). Cơ sở vật chất chưa đồng bộ, nghèo nàn, đặc biệt thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ sư phạm lẫn kinh nghiệm hoạt động tại DN. Giáo án đào tạo vẫn chưa cập nhật theo yêu cầu của xã hội...
Phân tích những tồn tại trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ sự liên kết “3 nhà” (nhà quản lý-nhà trường-nhà tuyển dụng) còn khá lỏng lẻo. Ngành LĐ-TB&XH với trách nhiệm làm đầu mối giữa nhà trường và nhà tuyển dụng còn chưa sâu sát, chưa đưa ra được dự báo về xu hướng tuyển dụng, chưa cung cấp cho nhà trường, nhà tuyển dụng những thông tin cần thiết như hiện nay thành phố Đà Nẵng cần ngành nghề gì và trong thời gian đến sẽ cần ngành nghề gì, số lượng bao nhiêu... Bên cạnh đó, các trường dạy nghề, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố thời gian qua còn thụ động. Trong khi các trường đại học từ nhiều năm nay làm rất tốt chương trình tư vấn-hướng nghiệp, thì các trường cao đẳng lại hoàn toàn không có hoạt động tương tự. Đặc biệt, các trường dạy nghề còn chưa theo sát nhu cầu lao động hiện nay của thành phố để từ đó có chương trình đào tạo sát thực hơn. Trên địa bàn Đà Nẵng đang có gần 40.000 DN quy mô vừa và nhỏ. Những DN này chủ yếu sử dụng lao động phổ thông hoặc lao động qua đào tạo ngắn hạn, thế nhưng các trường lại không đáp ứng điều này.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định, thời gian đến, thành phố sẽ thực hiện việc đánh giá chấm điểm các trường dạy nghề và công bố kết quả rộng rãi trước mỗi mùa tuyển sinh, nhằm giúp thí sinh chọn được trường nghề tốt nhất. Ngành LĐ-TB&XH cần phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh. Riêng với ngành GD&ĐT cần nghiêm túc đánh giá lại công tác dạy nghề còn chạy theo bằng cấp đối phó, chưa thực sự giúp học sinh tiếp cận và học một nghề phù hợp với khả năng cũng như nhu cầu tuyển dụng của xã hội.
T.S