Nhóm đọc - ngôi nhà tri thức của giảng viên

.

Được triển khai gần 4 năm nay, Nhóm đọc của Trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) được xem là “ngôi nhà tri thức”, nơi giảng viên chia sẻ thông tin khoa học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Một buổi sinh hoạt Nhóm đọc của các giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).
Một buổi sinh hoạt Nhóm đọc của các giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Những buổi sinh hoạt của khoa Quản trị kinh doanh thuộc Trường ĐH Kinh tế thường diễn ra khá sôi nổi, xoay quanh các chủ đề: “Hiệu quả lãnh đạo toàn cầu và hành vi tổ chức”, “Quản trị bằng giá trị”… Thời gian qua, sinh hoạt Nhóm đọc đã được nhà trường duy trì thường xuyên và trở thành diễn đàn chia sẻ tri thức của các giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học.

TS Nguyễn Thị Thủy, Phó khoa Kinh doanh quốc tế của nhà trường chia sẻ: “Tham gia sinh hoạt Nhóm đọc giúp chúng tôi thay đổi tư duy giảng dạy, tức là phải kết hợp nhiều hơn giữa lý thuyết và kỹ năng học được trên lớp với thực hành trong môi trường thực tế.

Sinh hoạt Nhóm đọc còn là cơ hội để các giảng viên thảo luận, chia sẻ và tìm ra ý tưởng trong nghiên cứu, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và hướng dẫn sinh viên”.

Từ tháng 8-2015, mô hình Nhóm đọc được triển khai lần đầu tiên tại Trường ĐH Kinh tế. Mô hình này đã có mặt tại nhiều trường ĐH ở châu Âu và châu Mỹ. Ý tưởng về một mô hình thân thiện để sẻ chia kiến thức chuẩn đã được PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh, Hiệu phó nhà trường ấp ủ và mang về sau thời gian học tại Đại học Michigan (Hoa Kỳ).

Dựa trên nguyên tắc chia sẻ tự nguyện, các giảng viên, nhà khoa học của Nhóm đọc cung cấp thông tin, kiến thức từ các bài báo khoa học, giáo trình mới, sách tham khảo mới… với phương pháp trực quan sinh động.

Các kiến thức chuyên ngành theo từng khoa/bộ môn sẽ phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên. Các buổi sinh hoạt Nhóm đọc nhằm mục đích chia sẻ kiến thức, hiểu biết về một chuyên đề riêng và căn bản, góp phần củng cố kiến thức giảng dạy của giáo viên, sinh viên, nghiên cứu viên trong nhà trường cũng như các nhà khoa học ngoài trường.

Bắt đầu với 5 Nhóm đọc chính, đến nay, trường đã có 13 Nhóm đọc. Nhà trường đã duy trì tổ chức sinh hoạt Nhóm đọc tối thiểu 2 tháng/lần và lịch sinh hoạt được thông báo rộng rãi tại trường. Một số vấn đề về phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy trong học đường, chọn lựa ngành học của sinh viên, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội… cũng là những chủ đề nóng được các báo cáo viên trình bày trong các buổi sinh hoạt Nhóm đọc.

Các đề tài này chủ yếu hướng đến tính thiết thực, có khả năng ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Tham gia sinh hoạt Nhóm đọc, các báo cáo viên có cơ hội chia sẻ, trao đổi trực tiếp với các giảng viên của khoa/bộ môn, tiếp thu những đánh giá, nhận xét về đề tài báo cáo.

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề tài/bài giảng, tăng hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. 

“Nhóm đọc trở thành nét đặc thù riêng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của trường, đồng thời tạo mối quan hệ chặt chẽ trong phối hợp nghiên cứu giữa nhà trường với các trường ĐH trên địa bàn. Việc mở rộng thành viên Nhóm đọc cũng thúc đẩy sự lan tỏa kiến thức, tạo dựng từng bước “cộng đồng bạn đọc khoa học” tại trường cũng như mở rộng quy mô chia sẻ tri thức với trường ĐH trong và ngoài nước”, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.