ĐNO - Sáng 27-6, thí sinh trải qua môn thi tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Công dân) - môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đánh giá chung, đề thi bám sát chương trình lớp 12, nhiều câu hỏi mang tính thời sự đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết nhất định về các vấn đề xã hội.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 trao đổi sau khi hoàn thành bài thi |
Tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết học sinh làm bài được khoảng 60-70%.
Thí sinh Lê Văn Phước, học sinh Trường THPT Trần Phú hào hứng cho biết, em làm bài được khoảng gần 80%.
“Em thấy đề thi tổ hợp năm nay khó hơn năm ngoái và hơi dài. Tuy nhiên do đã ôn kỹ nên em làm được bài. Các câu hỏi môn Giáo dục công dân về pháp luật em làm được, tuy nhiên có một số phần thuộc về lớp 11 nên em không nắm chắc lắm. Em thích đề môn Giáo dục công dân vì đưa ra những tình huống thực tế liên quan đến hôn nhân gia đình, việc làm…”, Phước nói.
Thí sinh Minh Tâm, học sinh Trường THPT Trần Phú cho biết, đề thi hơi dài tuy nhiên khá hay và sinh động.
“Đề môn Địa lý có nhiều câu hỏi mở, hỏi nhiều về khoáng sản, tiềm năng kinh tế trên Biển Đông. Đề không khó lắm và chỉ cần sử dụng thành thạo Atlat là các bạn đã làm được khoảng 50% bài thi rồi. Em làm được hơn 85% đề thi”, Tâm hào hứng nói.
Tại nhiều điểm thi khác, các em đều cho biết làm được bài. Tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Huệ, thí sinh Dương Khánh Vy, học sinh Trường THPT Trần Phú cho biết: "Đề thi Sử tập trung kiến thức lớp 12 và hầu hết rơi vào lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1975 nên nếu thí sinh ôn bài kỹ sẽ làm được.
Trong đề có những câu đề cập Trung Quốc và hội nghị Potsdam, đòi hỏi phải đi sâu tìm hiểu, phân tích vấn đề. Em nghĩ ở môn thi tổ hợp mình được khoảng 8 điểm”, Vy phấn khởi nói.
Cô Võ Thị Xuyến, Tổ trưởng Tổ Địa lý của Trường THPT Trần Phú cho biết, đề thi năm nay khá hay và nằm trong chương trình nên nếu các em ôn tập kỹ là làm được. “Đề ra trong chương trình nhưng cũng có những câu mang tính phân loại học sinh. Đề thi gồm địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, địa lý vùng, các kỹ năng địa lý như đọc bảng số liệu, Atlat…
Trong đề có những câu nâng cao đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức vào thực tế, có tư duy nhanh nhạy. Đề hay bởi đề cập kinh tế biển, về khai thác đánh bắt thủy sản, du lịch biển đảo khơi gợi tinh thần trách nhiệm với biển đảo đất nước”, cô Xuyến chia sẻ
Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, trong buổi thi cuối cùng tổ hợp Khoa học xã hội, có 101 thí sinh vắng thi, có 98,75% thí sinh dự thi. Tình hình an ninh trật tự ở 25 điểm thi trên địa bàn thành phố được bảo đảm tốt, không có sự cố bất thường nào xảy ra.
Tin và ảnh: PHƯƠNG TRÀ