Tự xác định điểm sàn: Tăng quyền tự chủ cho các trường đại học

.

Khác với mọi năm, năm nay, các trường đại học (ĐH) tự quyết định điểm sàn cho đơn vị mình. Điều này liệu có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường hay không và thí sinh cần lưu ý những gì khi đăng ký xét tuyển ĐH?

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, PGS.TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng (ảnh) khẳng định, việc tự xác định điểm sàn ĐH là cách tăng quyền tự chủ cho các trường, phù hợp với xu thế phát triển.

Thí sinh cần thận trọng chọn trường đại học để đăng ký xét tuyển. Trong ảnh: Thí sinh tìm hiểu về các trường đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh ở Đà Nẵng
Thí sinh cần thận trọng chọn trường đại học để đăng ký xét tuyển. Trong ảnh: Thí sinh tìm hiểu về các trường đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh ở Đà Nẵng

* Năm nay, Bộ GD-ĐT giao quyền về điểm sàn cho các trường. Theo ông, điều này có ý nghĩa gì?

- Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT giao cho các trường tự chủ xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào trong xét tuyển sinh theo kết quả thi THPT quốc gia và cả xét tuyển theo học bạ. Theo tôi, đây là chủ trương phù hợp trong lộ trình tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH.

Các trường buộc phải tự xác định và khẳng định vị trí của mình trong hệ thống ĐH chứ không thể trông chờ vào Bộ GD-ĐT. Có thể trong những năm đầu tiên, các trường chưa mạnh dạn tự xác định điểm sàn nên để bảo đảm nguồn tuyển, hầu hết các trường xác định điểm sàn chung quanh mức điểm sàn năm 2017.

Ngoài ra, điểm sàn cũng chỉ là điều kiện cần ban đầu để sơ loại thí sinh, nên nhiều trường tốp trên không quan tâm nhiều đến điểm sàn, chỉ lấy điểm sàn tương tự như các năm trước. Điểm sàn chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các trường tốp dưới khi điểm sàn gần bằng điểm chuẩn, do đó có thể thấy một số trường “khó tuyển” đã giảm thấp điểm sàn trong năm nay.

Tuy nhiên, nếu hạ điểm sàn quá thấp nghĩa là giảm ngưỡng chất lượng đầu vào thì sẽ ảnh hưởng đến chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo.

* Do được tự chủ điểm sàn nên thực tế có những ngành ở các trường thuộc ĐH Đà Nẵng hạ 1 điểm, thậm chí 2 điểm. Liệu điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh không?

- Điểm sàn được các trường công bố chủ yếu dựa trên phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia, ngoài ra còn có một số yếu tố khác như: chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng đăng ký, nhu cầu xã hội… Trong khi đó, phổ điểm thi THPT quốc gia có nhiều thay đổi từ năm này sang năm khác do mức độ không đồng đều của đề thi qua các năm, nên việc điểm sàn năm nay thấp hơn năm trước 1 đến 2 điểm hoàn toàn có thể xảy ra.

Chúng ta cũng đã từng thấy trong các kỳ thi tuyển sinh “3 chung” trước đây, điểm sàn ĐH do Bộ GD-ĐT quy định chỉ 13, 14 điểm mà vẫn bảo đảm chất lượng tuyển sinh do mức độ đề thi ĐH lúc đó rất khó.

Điểm sàn xét tuyển vào ngành Sư phạm của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng năm nay là 17 điểm, cao hơn 1,5 điểm so với năm ngoái. TRONG ẢNH: Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. 		    	    							               Ảnh: P.TRÀ
Điểm sàn xét tuyển vào ngành Sư phạm của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng năm nay là 17 điểm, cao hơn 1,5 điểm so với năm ngoái. TRONG ẢNH: Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: P.TRÀ

* Giữa bối cảnh chung điểm sàn năm nay hạ thấp thì điểm sàn tuyển sinh của ngành Sư phạm lại tăng 1,5 điểm; như vậy, làm sao để tuyển đủ số lượng sinh viên sư phạm và nếu không đủ thì phải làm thế nào?

- Năm nay, giữa lúc các ngành đào tạo nói chung giảm điểm sàn so với năm 2017 thì điểm sàn của các ngành Sư phạm tăng 1,5 điểm. Đây là cơ hội rất đáng quý để các ngành Sư phạm lấy lại uy tín đối với xã hội. Chúng ta không nhất thiết phải tuyển đủ số lượng mà cần phải tuyển cho đúng chất lượng đối với ngành Sư phạm.

Bộ GD-ĐT cũng đã giảm dần chỉ tiêu khối ngành Sư phạm trong các năm qua để bảo đảm sinh viên sư phạm ra trường có việc làm. Nếu làm tốt việc quy hoạch số lượng sinh viên đầu vào và việc làm đầu ra, bảo đảm sinh viên sư phạm ra trường có nơi giảng dạy phù hợp, chắc chắc điểm sàn ngành Sư phạm sẽ tiếp tục tăng và chất lượng đào tạo sẽ ngày càng cao hơn.

* Ông có lưu ý gì cho học sinh khi lựa chọn ngành nghề vào các trường của ĐH Đà Nẵng?

- Về chọn lựa ngành nghề và đăng ký điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng, thí sinh cần tìm hiểu đầy đủ thông tin trên trang web của các trường. Đánh giá của các nhà tuyển dụng hoặc của cựu sinh viên cũng là các kênh tham khảo quan trọng.

Thí sinh cần đặc biệt tham khảo điểm chuẩn vào ngành dự kiến đăng ký trong những năm trước để chọn ngành phù hợp kết quả thi. Một kênh tham khảo khác là xem trường ĐH, chương trình đào tạo đăng ký đã được các tổ chức kiểm định chất lượng công nhận hay chưa. Hiện nay, ĐH Đà Nẵng có 4 trường: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm và ĐH Ngoại ngữ được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc gia từ năm 2017.

Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa còn đạt chuẩn kiểm định quốc tế bởi tổ chức kiểm định châu Âu HCERES năm 2017, đạt chuẩn kiểm định của Ủy ban bằng kỹ sư Pháp (CTI) cho 3 chương trình đào tạo chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) và chuẩn kiểm định của mạng lưới các Trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA) cho 6 chương trình đào tạo. Để quyết định chọn ngành, các em phải thực hiện theo các bước như:

Tự phân tích bản thân (sở thích, sở trường, năng lực học, năng lực tài chính của gia đình)…; mong ước sẽ làm gì, ở đâu, đóng góp, phục vụ như thế nào trong tương lai. Sau đó liệt kê tên ngành, trường, địa điểm của trường liên quan và hãy tìm hiểu kỹ những trường/ngành/địa phương ấy.

Chẳng hạn: năng lực đào tạo của trường này như thế nào? Cơ hội việc làm của các ngành đó ra sao? Cuộc sống của địa phương đặt trường có an toàn không? Mức sống ra sao, có phù hợp với mình không?...

Cuối cùng là phân tích các yếu tố quyết định đến khả năng trúng tuyển, ví dụ như: điểm chuẩn, tỷ lệ chọi của các năm trước, phổ điểm thi THPT quốc gia của cả nước và khu vực năm nay so với điểm mình hiện có. Một lần nữa, các em cần tham vấn ý kiến của những người có hiểu biết về giáo dục để thêm thông tin trước khi ra quyết định cuối cùng.

* Cảm ơn ông.

* Năm nay, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng có những điểm gì mới trong tuyển sinh và đào tạo mà thí sinh cần biết, thưa ông?

- Về tuyển sinh, ĐH Đà Nẵng năm nay có thêm 2 đơn vị mới tuyển sinh hệ chính quy là Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Khoa Giáo dục thể chất của ĐH Đà Nẵng.

Từ năm 2018, ĐH Đà Nẵng tuyển sinh một số ngành theo cơ chế đặc thù trong 2 lĩnh vực được ưu tiên phát triển hiện nay là Công nghệ thông tin và Du lịch.

Điểm đặc biệt của chương trình đào tạo đặc thù là sinh viên được đào tạo từ 30 - 50% thời lượng chương trình tại các doanh nghiệp (DN), được các DN tham gia đào tạo. Có 4 trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng triển khai đào tạo đặc thù gồm:

Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm và Khoa Công nghệ thông tin-truyền thông thuộc ĐH Đà Nẵng. Hiện nay, tất cả các đơn vị này đã hoàn tất đề án, ký kết các hợp đồng đào tạo, thực hành tại các DN. Thí sinh có thể tìm hiểu các đề án đào tạo đặc thù của các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng tại trang tuyển sinh http://ts.udn.vn/.

PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)

;
.
.
.
.
.
.