Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ở Việt Nam hiện nay có “văn hóa nghe lời” và “trẻ nhỏ được dạy rất vâng lời”, điều này cần thay đổi, cần nghĩ khác đi.
Đồng tình với quan điểm của Phó Thủ tướng, ông Warren Jude Fernandez - Tổng Biên tập Straits Times (Singapore) cho rằng: “Học sinh Việt Nam phải bớt vâng lời đi”.
Những trao đổi nói trên được đưa ra sáng 13-9, trong phiên thảo luận về Tương lai việc làm ở ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) - tại Hà Nội.
Trẻ nhỏ và “văn hóa vâng lời”
Ông Warren Jude Fernandez - Tổng Biên tập Straits Times, người điều phối phiên thảo luận đã mời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói về giới trẻ Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0.
Toàn cảnh phiên thảo luận Tương lai việc làm ở ASEAN |
Chia sẻ cởi mở về điều này, lãnh đạo Chính phủ Việt cho biết: Theo như điều tra, người dân nói chung, đặc biệt là giới trẻ rất lạc quan về cuộc cách mạng 4.0, đương nhiên đi kèm với đó là những thách thức. Khi đối phó với những thách thức mới của lao động, phải đẩy mạnh học tập suốt đời, học tập cho người lớn.
Theo Phó Thủ tướng, ít ai nghĩ đến học tập cho những người từ 60-65 tuổi trở lên, bởi thế cuộc cách mạng 4.0 phải đem lại cơ hội cho tất cả, chú ý hơn tới giúp những người cao tuổi để nắm bắt cuộc cách mạng này.
Với người trẻ, Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh đổi mới giáo dục. Dù giáo dục phổ thông ở Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là có nhiều điểm tốt nhưng cũng cần phải đổi mới.
“Một trong những điểm rất quan trọng là làm cho các em ngay từ thủa bé ý thức được thế giới tương lai rất khó đoán định trước. Các em thay vì học thụ động, thay vì biết vâng lời, thì phải nghĩ khác đi.” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam |
Lý giải thêm về văn hóa “vâng lời” ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắm nêu quan điểm: “Ở Việt Nam, văn hóa là trẻ nhỏ được dạy rất vâng lời. Tôi nghĩ phải đổi mới, phải đổi mới mạnh mẽ cách học từ bé xíu cho tới người già.”.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, điều may mắn ngày nay là có công nghệ thông tin để giúp việc học trở nên tốt hơn. Những dự liệu, có các dự án được khởi động để tạo ra kho tri thức, để giúp mọi người, đặc biệt là người già có thể học qua smart phone, qua truyền hình, học để nâng cao kiến thức, thích ứng các yêu cầu mới.
Tổng Biên tập Straits Times Warren Jude Fernandez bày tỏ sự đồng tình với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với quan điểm: “Học sinh Việt Nam phải bớt vâng lời đi!”.
"Một đôi giày không thể dùng chung cho nhiều bàn chân"
Bà Vivian Lau - Chủ tịch JA châu Á Thái Bình Dương - cho biết: Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng của con người, mà bản chất của nó là cách mạng về giáo dục. Rất nhiều người trẻ có trình độ tốt, nhưng kỹ năng thì không còn phù hợp, vậy nên cần phải linh hoạt và thay đổi liên tục để cập nhật công nghệ 4.0.
“Có một số quan ngại về giới trẻ không có sự chuẩn bị tốt cho tương lai. Không ai có thể trở thành bậc thầy trong tất cả mọi lĩnh vực, cũng không ai dự doán được tương lai. Cách mạng 4.0 đòi hỏi con người phải học tập không ngừng nghỉ, nhưng ngoài học vấn cần có kỹ năng mềm, có tinh thần nhân văn trong mỗi con người” - bà Vivian Lau cho hay.
Trong khi đó, ông Haoliang Xu - người phụ trách Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương nêu quan điểm: Các bậc phụ huynh cần chuẩn bị cho con cái thích ứng với sự thay đổi của tương lai. Các bậc phụ huynh ngày nay cần có tư duy mới, tư duy mở hơn để thúc đẩy tư duy con cái, áp dụng khoa học công nghệ và các kỹ năng mềm.
“Một đôi giày chỉ có thể dùng cho một người chứ không thể dùng chung cho nhiều bàn chân. Mỗi người đều có những đặc điểm riêng, mỗi quốc gia có những khác biệt chứ không cùng mặt bằng, không phát triển đồng đều” - ông Haoliang Xu nói.
Các diễn giả cho rằng, việc học tập suốt đời là quan trọng, nhưng cần có tư duy mới, tư duy mở hơn |
Theo Dân trí