Từ một ngôi trường “ở tạm” với nhiều khó khăn trong những ngày đầu thành lập, trải qua 20 năm, Trường THPT Ngũ Hành Sơn không ngừng vươn lên và khẳng định vị thế của mình.
Trường THPT Ngũ Hành Sơn ra đời theo Quyết định số 3786/QĐ-UB ngày 3-7-1998 của UBND thành phố Đà Nẵng. Tuy đã chính thức thành lập và có địa điểm nhưng trụ sở chưa được xây dựng nên năm đầu tiên, nơi làm việc của Hội đồng sư phạm cùng phòng học của 7 lớp 10 của nhà trường phải mượn tạm Trường THCS Lê Lợi.
Bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng nhân cách cho học trò. TRONG ẢNH: Thầy và trò Trường THPT Ngũ Hành Sơn trong lễ bế giảng. |
Năm học 1998-1999 gắn liền với những con số thật khiêm tốn: Hội đồng sư phạm gồm 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB, GV, NV) chia làm 3 tổ (Văn phòng, Tự nhiên, Xã hội). Toàn trường chỉ có khối 10 (7 lớp). Đội ngũ lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, không có trang thiết bị, phòng đọc sách; các hoạt động thiếu tính độc lập vì phụ thuộc vào hoạt động của Trường THCS Lê Lợi. Sang năm học thứ hai (1999-2000), dù tiếp nhận cơ sở riêng nhưng lúc đó trường chỉ có 8 phòng học nằm trơ trọi trên mảnh đất 15.000m2, sân trường toàn gió cát, không một bóng cây. Khu hiệu bộ chưa có, phải mượn tạm một ngôi nhà dân để làm việc, sinh hoạt; học sinh khối 11 được gửi tạm sang Trường THPT Hoàng Hoa Thám.
Ngôi trường mới đem lại niềm vui lớn cho nhân dân quận Ngũ Hành Sơn cũng như thầy và trò nhà trường, nhưng phía trước vẫn còn bao khó khăn. Với sự nỗ lực phấn đấu, chung tay của địa phương cùng thầy và trò, ngôi trường đã từng bước hoàn chỉnh về cơ sở vật chất; đội ngũ CB, GV, NV ngày càng trưởng thành; chất lượng dạy và học ngày được cải thiện.
Theo thầy Trần Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn, bước ngoặt khẳng định sự phát triển vượt bậc của trường đến sau 10 năm hoạt động, tức năm 2008. Về số lượng, nhà trường có 88 CB, GV, NV với trình độ chuyên môn cao (20 thạc sĩ chuyên ngành, 10 giáo viên theo học cao học, 3 nhân viên hoàn thành chương trình đại học, 2 giáo viên đã qua lớp cao cấp chính trị). Với kết quả này, trường đã vượt chỉ tiêu đào tạo về chuyên môn theo Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND ngày 9-1-2007 của UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thành phố Đà Nẵng đến năm 2010”.
Về cơ sở vật chất, trường có 17 phòng học, 2 phòng công nghệ thông tin (CNTT), 3 phòng bộ môn, thí nghiệm, 1 nhà đa năng, sân tập bóng đá, tập luyện thể dục thể thao... Nhà trường cũng đã quyết định chọn ứng dụng CNTT làm khâu đột phá, cải tiến phương pháp dạy học và công tác quản lý, tạo sự ổn định và từng bước nâng cao chất lượng dạy-học, làm cơ sở vững chắc để đội ngũ CB, GV, NV tích cực hưởng ứng năm học công nghệ thông tin 2008-2009. Số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Năm học 2006-2007, nhà trường có học sinh Nguyễn Bá Kiên đỗ thủ khoa Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) với 29,5 điểm.
Với những nỗ lực không ngừng trong dạy và học, nhà trường ghi được nhiều thành tích. Năm học 2017-2018, trường vinh dự nhận cờ thi đua; hoàn thành tốt đánh giá ngoài. Về phía giáo viên, cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổ trưởng tổ Ngữ văn vinh dự nhận giải thưởng Võ Trường Toản; cô Huỳnh Thị Minh Nguyệt, Hiệu phó nhà trường nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT và 3 thầy, cô nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố; 12 giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cơ sở; 8 thầy, cô đạt danh hiệu dạy giỏi cấp trường. Đặc biệt, nhiều thầy, cô được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong việc đóng góp xây dựng và phát triển nhà trường giai đoạn 1998-2018, gồm: thầy Phan Văn Tánh, nguyên Hiệu trưởng; cô Hoàng Thị Lệ Minh, nguyên Chủ tịch Công đoàn... Về phong trào thi đua năm học 2017-2018, nhà trường có 23 giải học sinh giỏi cấp thành phố; đoạt giải nhất toàn đoàn cuộc thi hùng biện “Em yêu biển đảo, quê hương”; 1 giải nhất và 1 giải ba cuộc thi “Em viết về thành phố Đà Nẵng-Thành phố môi trường”...
“20 năm xây dựng và phát triển, ngôi trường vùng ven đã từng bước lớn mạnh và khẳng định được vị thế của mình. Đội ngũ CB, GV, NV, Ban giám hiệu có kinh nghiệm quản lý cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục. Các thế hệ học sinh đầu tiên của nhà trường đã có công việc ổn định ở các cơ quan hành chính, là giáo viên, sĩ quan quân đội, cán bộ cốt cán của quận Ngũ Hành Sơn... Nhiệm vụ “trồng người” đang tiếp tục được kế thừa với bao thế hệ thầy cô và chúng tôi nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia như mong muốn của các cấp lãnh đạo, cha mẹ học sinh và Hội đồng sư phạm”, thầy Đạt chia sẻ.
Bài và ảnh: HÀ THU