Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với 408/456 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm 84,12%.
Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn như: Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc sáp nhập với trường đại học khác theo quy định của pháp luật; thông qua kế hoạch hằng năm; Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, Hội đồng trường của trường đại học công lập có quyền quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật; Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; hằng năm, tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động, của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.
Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Cũng theo Luật này, Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các quyết định của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học; báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn trường về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng trường; Tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định của hội đồng trường; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng trường; Chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong trường; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường.
Liên quan đến việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, Luật quy định xếp hạng cơ sở giáo dục đại học nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo những tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế. Pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, phải bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch, có trách nhiệm công khai, giải trình về phương pháp, tiêu chí và kết quả xếp hạng.
Theo TTXVN