Trường THPT Ông Ích Khiêm: Nửa thế kỷ ươm mầm trên đất học

.

Ở thành phố Đà Nẵng có một ngôi trường ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt nhất. Đó là Trường THPT Ông Ích Khiêm - ngôi trường trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, tọa lạc tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. 

Trường THPT Ông Ích Khiêm sau 50 năm đổi mới.
Trường THPT Ông Ích Khiêm sau 50 năm đổi mới.

Mùa thu năm 1968, Trường THPT Ông Ích Khiêm được thành lập và khai giảng năm học đầu tiên với tên gọi Trường Trung học công lập Hiếu Đức. Hiếu Đức là địa danh của địa phương, lúc này tại đây đã có Trường bán công Hiếu Đức và cách gọi trên nhằm phân biệt hai trường. Đến năm 1971, Trường Trung học bán công Hiếu Đức giải thể và Trường Trung học công lập Hiếu Đức có tên gọi Trường Trung học Hiếu Đức.

Bấy giờ, cả trường chỉ có hai lớp 6 với 128 học sinh và phải học tạm tại cơ sở Trường tiểu học An Phước ngày nay (cùng địa phương), do thầy Tán Giản – một nhà giáo ở địa phương có kiến thức sâu rộng, giàu lòng nhân ái làm Hiệu trưởng.

Cũng trong năm đó, nhu cầu về cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã vượt lên gian khổ để vận động, quyên góp xây dựng nên ngôi trường mới tọa lạc trên địa bàn thôn Cẩm Toại Trung của xã, nay là Trường THCS Trần Quốc Tuấn.

Năm 1969 đến 1970, khi vừa bước vào học kỳ 2, trường chuyển sang cơ sở mới trong niềm hân hoan, phấn khởi của thầy và trò. Khi đó, ở huyện Hòa Vang đa số chỉ có các trường tiểu học, duy nhất Trường Trung học Hiếu Đức có hệ đào tạo Đệ nhất cấp (cấp THCS ngày nay) nên nhà trường trở thành điểm sáng cho quê nhà. Số lượng học sinh và giáo viên từng năm tăng lên đáng kể. Điều đáng nói, đa số giáo viên đều xa nhà, có thầy cô ở tận Duy Xuyên, Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam).

Năm 1971, theo chỉ thị của tỉnh nhà, do không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhà trường chỉ được tuyển sinh và giảng dạy hệ Đệ nhất cấp (cấp THCS ngày nay). Tuy nhiên, với mong muốn con em khi vào học Đệ nhị cấp (cấp THPT ngày nay) không phải lặn lội đi học xa, chính quyền và nhân dân đã kêu gọi quyên góp xây dựng thêm phòng học. Năm học 1972-1973, trường có 1 lớp 10 đầu tiên với gần 50 học sinh. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình trong công tác giáo dục của nhà trường.

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất vẫn là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Về cơ sở vật chất, ban đầu nhà trường chỉ có 2 phòng học, về sau được tỉnh hỗ trợ thêm 3 phòng học nhưng số lượng học sinh ngày càng đông (từ lớp 6 đến lớp 10) nên nhà trường phải chia thời khóa biểu xen kẽ.

Về giáo viên, vì trường tự lực mở hệ đào tạo Đệ nhị cấp nên cũng phải chủ động về nguồn nhân lực. Giáo viên dạy chương trình Đệ nhất cấp được tạo điều kiện ở lại nhà dân, dạy cố định thường xuyên và hưởng theo ngân sách. Còn với giáo viên dạy Đệ nhị cấp do trường mời từ nhiều nguồn về làm công tác thỉnh giảng, hưởng lương theo giờ. Ngoài ra, nhà trường tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội, đoàn, đội và phong trào văn nghệ, thể thao.

Năm 1974-1975, nhà trường có các khối lớp từ lớp 6 đến lớp 11; riêng học sinh lớp 11 lên lớp 12 phải về các trường ở thành phố học lớp 12 - chuẩn bị thi tú tài vì trường không đủ điều kiện.

Ngày 29-3-1975, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được giải phóng, nửa tháng sau, các trường trong tỉnh tiếp tục việc dạy và học trong niềm vui chiến thắng. Lúc bấy giờ, trường đổi tên thành Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Ông Ích Khiêm - vinh dự mang tên danh tướng, danh nhân văn hóa của huyện nhà và cũng là năm đầu tiên nhà trường có đầy đủ các khối lớp từ lớp 6 đến lớp 12.Năm học 1978-1979, hệ thống tổ chức của nhà trường thay đổi. Các lớp cấp 2 được tách và chuyển về Trường cấp 2 Hòa Phong. Trường tiếp tục đảm nhiệm chương trình cấp 3 với tên gọi mới “Trường Phổ thông cấp 3 Ông Ích Khiêm”.

Để đáp ứng cơ chế đổi mới và chấn hưng nền giáo dục theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, từ năm học 1991-1992, trường sáp nhập trở lại với Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Ông Ích Khiêm, giảng dạy từ lớp 6 đến lớp 12.

Năm học 1998-1999, theo quyết định của thành phố, Trường cấp 2 -3 Ông Ích Khiêm chia tách thành hai trường riêng biệt; cấp 2 tiếp tục học trường cũ với tên gọi Trường THCS Trần Quốc Tuấn, cấp 3 dời về cơ sở mới hiện nay (sát bên trường cấp 2) và mang tên Trường THPT Ông Ích Khiêm cho đến bây giờ, theo Quyết định số 979/QĐ-UB ngày 20-2-1998 của UBND thành phố Đà Nẵng. Ngôi trường với đầy đủ cơ sở vật chất, sạch đẹp mang lại niềm vui cho cả thầy và trò. Đến nay, tròn 50 tuổi, nhà trường có 41 lớp với gần 1.700 học sinh.

10 năm gần đây, trường liên tục được công nhận là trường tiên tiến; tiên tiến xuất sắc; đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; Chi bộ vững mạnh, trong sạch; Công đoàn vững mạnh; cơ sở Đoàn Thanh niên vững mạnh xuất sắc. Nhiều thế hệ giáo viên nhà trường dù trong thời điểm, hoàn cảnh nào vẫn nêu cao đạo đức nhà giáo.

Nhiều cựu học sinh đã trưởng thành, như thầy giáo, tiến sĩ Lê Trung Chinh. Thầy vừa là con em của địa phương, vừa là cựu học sinh và cựu giáo viên của nhà trường, từng làm Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng và hiện nay là Chủ tịch HĐND, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn.

Dù ở cương vị nào, tất cả cựu học sinh đều phấn đấu là những công dân tốt, đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, các thế hệ học trò vẫn luôn hướng về trường cũ - nơi gieo những ký ức tươi đẹp một thời và tri thức để trưởng thành vào đời. Năm 2018 đánh dấu mốc son lịch sử Trường THPT Ông Ích Khiêm tròn 50 tuổi. Trong hai ngày kỷ niệm 14 và 15-12-2018 là dịp nhà trường được đón chào, hội ngộ và tri ân các thế hệ thầy trò đã chung tay làm nên truyền thống vẻ vang của nhà trường trong suốt nửa thế kỷ.

                Bài và ảnh: HỒNG LOAN 

;
;
.
.
.
.
.