Học đường là nơi luôn cần có môi trường an lành, thân thiện giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò và giữa trò với trò. Đó không chỉ là nơi để học tập kiến thức mà còn là nơi đào tạo những công dân có đức có tài cho tương lai của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo trong các trường học. Người luôn nhấn mạnh đến việc tạo dựng môi trường dạy và học mà ở đó thầy ra thầy, trò ra trò. Thế nhưng, trong những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, học đường của nước ta, nhất là các cấp học phổ thông đã xảy ra khá nhiều vấn đề phức tạp, gây lo lắng cho các bậc phụ huynh và xã hội.
Nổi lên là tình trạng bạo lực trong các trường học liên tục xuất hiện; không chỉ là các vụ nam sinh đánh nhau do tính nghịch ngợm, mà cả các nữ sinh. Điều đáng nói ở đây là các vụ đánh nhau không nhỏ, lẻ mà mang tính hội đồng, với sự tham gia của nhiều em. Một số vụ điển hình đã và đang gây bức xúc dư luận, như: các vụ nữ sinh đánh nhau ở Hưng Yên, Quảng Ninh, Nghệ An… gây thương tích nặng nề cho nạn nhân.
Khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, các em sẽ gánh lấy những thương tổn vô cùng nghiêm trọng về cả thể xác lẫn tinh thần. Những vết thương trên cơ thể theo thời gian sẽ lành nhưng những vết sẹo trong tâm hồn các em, làm sao để xóa mờ trong một sớm một chiều?
Ai cũng hiểu rằng, khi đất nước đổi mới, chuyển nền kinh tế từ quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường, bên cạnh những ưu điểm, cũng có khá nhiều những mặt trái tác động đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội và len lỏi vào các trường học.
Trên phương diện nào đó, đời sống hiện đại quá đầy đủ hoặc quá dư thừa đã tạo ra lối sống đua đòi, ích kỷ trong giới trẻ. Và một bộ phận học sinh nhiễm dần những căn bệnh xấu, như: sĩ diện, thích thể hiện, muốn khẳng định trước bạn bè… rồi dẫn đến hành động bồng bột, lời nói thiếu suy nghĩ, gây nên hệ lụy đáng tiếc.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự kết nối mang tính toàn cầu, các trang mạng xã hội đa sắc màu, thế giới trò chơi trực tuyến sôi động, thậm chí là các chất kích thích độc hại… đã và đang khiến một bộ phận giới trẻ đánh mất mình vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là vai trò của gia đình đối với việc giáo dục đạo đức cho các em học sinh. Ở cấp độ nào đó, trong suy nghĩ của không ít ông bố, bà mẹ, việc lo cho con có cuộc sống đầy đủ tiện nghi là đã làm tròn trách nhiệm; còn việc học hành, phẩm chất đạo đức của con em mình thuộc về nhà trường, xã hội.
Vì thế, nhiều bậc phụ huynh nuông chiều con quá mức; lỏng kẻo trong quản lý, giám sát con học hành cũng như quan hệ với cộng đồng. Họ lao vào làm việc mà quên mất con mình đang độ tuổi mới lớn với bao sự xáo trộn tâm sinh lý.
Đồng thời, không ít trường học chưa thật sự là môi trường thân thiện, hấp dẫn đối với một số học sinh. Trong khi đó, nhiều tệ nạn xã hội vô cùng nguy hiểm luôn rình rập bên ngoài nhà trường, chỉ cần với nhẹ tay hay lơ là buông lỏng là một bộ phận học sinh lập tức “nhiễm”. Tất cả những lỗ hổng trên chính là mảnh đất màu mỡ cho mầm mống của bạo lực học đường mọc rễ.
Có thể nói, đó là những nguyên nhân chủ yếu cùng với những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Một khi nhận rõ nguyên nhân, chúng ta có thể từng bước ngăn chặn mầm mống của bạo lực học đường.
Trước hết, các em học sinh phải tự trau dồi ý thức học tập, rèn luyện phẩm cách đúng đắn; tỉnh táo tránh xa cám dỗ của văn hóa phẩm không lành mạnh, các hành vi bạo lực và giữ mình trước những thói hư tật xấu… Nhà trường phải luôn nỗ lực tạo sân chơi lành mạnh với các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ thu hút sự hứng thú của học sinh. Không chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu, phong trào “Trường học thân thiện” cần phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối sợi dây tình cảm giữa thầy với trò, giữa trò với trò.
Mặt khác, trường học cần chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để các em chủ động xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, điều tiết tình cảm, chấn chỉnh hành vi sai trái. Nên chăng, các trường cần tạo lập trung tâm tư vấn cho học sinh để hỗ trợ các em giải quyết các vấn đề cuộc sống mà tự thân các em chưa thể lý giải hay đối xử sao cho thích hợp, đúng đắn.
Như trên đã nói, gia đình phải thật sự là tổ ấm chở che, bảo bọc với tình yêu thương luôn ngập tràn trong tâm khảm của các em. Cha mẹ hãy là người bạn biết lắng nghe, chia sẻ và cùng con tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống; là người thầy định hướng con cái trong việc tiếp nhận cái hay, cái đẹp và thanh lọc tâm hồn trước cuộc sống muôn hình vạn trạng.
Ở một khía cạnh không kém phần quan trọng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ siết chặt sự quản lý đối với trò chơi trực tuyến, các trang mạng xã hội; nhanh chóng tiến hành công tác nắm tình hình, điều tra, xử lý một cách nghiêm minh khi có vụ việc xảy ra.
Để làm tốt công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, cần quan tâm mối quan hệ gắn kết ba bên: nhà trường - gia đình - xã hội. Đây là mối quan hệ tất yếu nếu không nói là bắt buộc. Vì thế, phải coi việc giáo dục-đào tạo các em là trách nhiệm không của riêng ai, là sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Do vậy, mỗi cơ quan, đoàn thể, nhà trường và mỗi người cần xây dựng những tiêu chí và hành động đúng đắn về cách ứng xử giữa người và người. Đừng thờ ơ, vô cảm, dửng dưng trước những việc làm sai trái, những lối hành xử thiếu thiện cảm.
TUYẾT MINH