"Ở trọ trần gian"

.

1. Tôi ngồi đồng ở quán cà-phê cóc đầu xóm cả buổi chiều. Cạnh tôi là ông hàng xóm tóc ba phần xanh bảy phần bạc trắng. Ông than thở: Tới chừng ni tuổi rồi, thấy cũng nhiều, nghe cũng nhiều mà chưa bao giờ thấy cái đám nào mà lố bịch như cái đám ni. Kèn trống chi cả ngày cả đêm, mà lại mở to loa khủng nữa mới chết. Khổ thân mấy đứa cháu, không học hành gì được.

Không biết ngày mai có bị cô giáo phạt không nữa? Tôi ngồi yên lặng giữa mớ âm thanh hỗn độn. Tiếng loa ồm ồm mời khách vào viếng. Tiếng trống, thanh la liên hồi, tiếng đàn nhị nỉ non… tất cả được khuyếch đại bởi một giàn loa khủng chiếm sóng suốt cả ngày lẫn đêm khiến cả con phố lao đao đến bạc mặt. Rồi tự hỏi một mình, bắt đầu từ hồi nào, người ta lại sính sử dụng âm thanh cực đại trong các đám ma, tiệc cưới như vậy? 

Ngày nay từ phố thị đến nông thôn không khó mục sở thị những đám tang sử dụng nhạc cổ, nhạc Tây với dàn âm thanh hiện đại và tất nhiên là loa được mở hết cỡ để làng trên xóm dưới đều nghe. Đâu rồi những đám tang ấm áp tình làng nghĩa xóm, không phô trương kệch cỡm. Hôm rồi về quê đưa tang người chú trong họ ở Hòa Châu, Hòa Vang.

Đi từ đầu làng đã nghe tiếng tụng kinh rõ mồn một như loa phát thanh của đài truyền thanh xã. Biết là bất tiện nhưng tôi cũng ý tứ nhắc người nhà giảm âm thanh để khỏi phiền xóm giềng thì được nghe câu trả lời rất hồn nhiên: Mở to cho cả làng biết nhà có đám mà đi viếng! Nghe xong chỉ thấy lòng buồn, chẳng hiểu khi người sống phiền lòng như thế thì liệu người chết có vui chăng?

Nhưng vì nghĩa tử là nghĩa tận nên dù bị tra tấn khổ sở bằng mớ âm thanh hỗn độn, chát chúa nhưng không ai dám nói ra mà chỉ âm thầm chịu đựng và tìm cách giải quyết một mình. Nhà có con nhỏ thì sơ tán về nội ngoại dăm ba hôm. Nội ngoại xa thì kiếm cái nhà nghỉ mô nho nhỏ tránh tạm vài bữa. Khổ nhất là các cụ già, cứ phải ra công viên, hay quán nước ngồi đánh cờ cho đến tối mịt mới về.

2. Tuy không có cảnh khách đưa tang “chim nhau, cười tình nhau” hay con cháu diễn cảnh khóc thương thê lương hoặc dựng cảnh chụp hình nhố nhăng như trong thiên phóng sự Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng nhưng người ta cũng không khỏi xốn xang khi đọc những tin tức như: Á hậu, diễn viên, người mẫu A, B, C… ăn mặc phản cảm, trang điểm quá đậm khi đi dự đám tang.

Nhiều bạn trẻ còn vô tư chuyện trò cười đùa khi đi viếng khiến mất đi sự tôn nghiêm vốn có của tang lễ. Tôi vẫn nhớ như in bài học từ lúc học lớp Vỡ lòng. Thầy tôi luôn dạy phải khoanh tay, cúi đầu, ngã mũ nón khi gặp đám tang đi qua. Đó là tấm lòng thành kính tiễn đưa đối với người đã khuất.

Vậy mà bây giờ, nhiều người không chỉ quên cúi đầu mà còn lạng lách, vượt xe tang trong lúc tham gia giao thông. Với sự phát triển của mạng xã hội ngày nay giới trẻ càng có  nhiều cơ hội trong việc kết nối thông tin và hình ảnh cá nhân một cách rộng rãi hơn.

Mỗi khi vào Facebook, không ít những bức ảnh mà các bạn trẻ vui vẻ tự sướng ngay cả trong đám tang của người thân. Một số bạn vẫn không quên trang điểm, hay khoe quần áo, giày dép... để “câu like” đã khiến cộng đồng mạng cảm thấy như chính mình bị sỉ nhục.

3. Nếu ai đó nói rằng, cuộc đời là những chuyến đi, thì chuyến đi cuối cùng của một đời người là đi về với cát bụi. Đó cũng là chuyến đi dài và có lẽ là “hoành tráng” nhất trong những năm ở trọ trần gian. Có kèn có trống, có họ hàng, cháu con đưa tiễn… Đám tang như một lời nhắc nhở về sự hữu hạn của đời người, để người ta đỡ tham sân si và sống tốt hơn với gia đình và xã hội.

Tôi ngồi thẫn thờ bên ly cà-phê cạn đáy. Quán nhỏ về chiều bắt đầu vắng khách. Chỉ còn lác đác vài người ngồi nán lại để “lánh nạn” đám tang. Ông hàng xóm xách chiếc ghế sang ngồi cạnh nói: Chút nữa tui đi đón đứa cháu đi học về. Chắc ghé vô đây ngồi tiếp. Luôn tiện cho con bé ăn tạm bát bún rồi ngồi học bài. Chớ về nhà nhạc nhẽo, kèn trống kiểu nớ răng mà ôn bài cho được. Sắp thi kỳ 2 rồi đó chú…

Chiều xuống thật chậm, phố xá bắt đầu lên đèn. Chiếc quạt máy chạy xè xè trong lời ca nhừa nhựa của Khánh Ly: Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời… (Trịnh Công Sơn)

Xuyến Chi

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.