Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tăng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tiếp tục đổi mới lễ khai giảng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

 Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong năm học mới 2019-2020.

Văn bản nêu rõ công tác "dạy người" phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, thường xuyên, liên tục.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tăng cường đôn đốc, kiểm tra; kịp thời biểu dương điển hình tốt, xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, vi phạm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý một số vấn đề cụ thể.

Bộ phải chỉ đạo sâu sát việc tiếp tục đổi mới Lễ khai giảng năm học mới đảm bảo thực sự "tất cả vì học sinh thân yêu" và ý nghĩa cao đẹp của ngày "Toàn dân đưa trẻ đến trường"; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh, thực chất các hoạt động cụ thể, thiết thực như chào cờ, hát Quốc ca; tập thể dục giữa giờ; trực nhật, dọn vệ sinh, tham gia lao động.

Bộ tập trung thực hiện thực chất các khẩu hiệu đã trở thành truyền thống của ngành giáo dục: "Tất cả vì học sinh thân yêu," "Thi đua dạy tốt, học tốt," "Tiên học lễ, hậu học văn" và "Năm điều Bác Hồ dạy"; hướng dẫn cụ thể về từng điều trong "Năm điều Bác Hồ dạy" phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, điều kiện từng trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn (kể cả các loại chuẩn, các hình thức thi đua) nhằm giảm bớt áp lực có tính hành chính cho nhà trường, giáo viên, học sinh và khắc phục bệnh thành tích, hình thức, nhằm tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội, sự tham gia của phụ huynh học sinh vào các hoạt động của nhà trường.

Bộ đẩy mạnh đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân; sinh hoạt đội, đoàn; tăng cường liên hệ với thực tiễn, các tấm gương người thực, việc thực; nêu gương người tốt, việc tốt; làm tốt hơn các hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời đề cao trách nhiệm của tất cả các thầy, cô giáo tham gia giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đặc biệt và trước hết là thầy, cô giáo phải gương mẫu trong nhà trường cũng như ở nhà, ngoài xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối phụ huynh với học sinh, thầy, cô giáo và nhà trường; tập trung chỉ đạo phát triển phân hệ giáo dục trong Hệ tri thức Việt số hóa; phát động xây dựng ngân hàng học liệu điện tử nói chung và nhất là các môn đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử; giáo viên, học sinh đóng góp các câu chuyện, clip nêu gương người tốt, việc tốt thể hiện tình cảm, hành động yêu trường, yêu lớp, yêu bè bạn, gia đình, quê hương, đất nước./.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
Cách viết writing task 1 The IELTS Workshop
.
.
.