ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM NHẬN GIỮ TRẺ 6-18 THÁNG TUỔI

Viết tiếp những câu chuyện nhân văn - Bài cuối: Nhanh chóng bố trí giáo viên đứng lớp

.

Để sớm thực hiện đồng bộ việc thí điểm ở các trường, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, công tác chuẩn bị nguồn giáo viên cũng phải triển khai nhanh chóng.

Công tác chăm sóc trẻ dưới 18 tháng tuổi rất vất vả, vì vậy cần phải có cơ chế chính sách đặc thù cho những giáo viên đứng lớp.
Công tác chăm sóc trẻ dưới 18 tháng tuổi rất vất vả, vì vậy cần phải có cơ chế chính sách đặc thù cho những giáo viên đứng lớp.

Mướt mồ hôi với trẻ

Trường mầm non (MN) Hoàng Cúc (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) là trường đầu tiên đưa vào hoạt động nuôi dạy trẻ theo Đề án thí điểm nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi.

Cô Hồ Thị Kim Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, trường được đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động từ ngày 1-10. Hiện tại ở hai nhóm lớp có tổng cộng 21 bé (nhóm 6-12 tháng: 9 bé; nhóm 12-18 tháng: 12 bé). Mỗi nhóm được bố trí hai cô giáo. Nguồn nhân sự này là những giáo viên hiện có của nhà trường.

Đúng giờ ăn xế của các bé, chúng tôi có mặt và ghi nhận sự vất vả của các cô giáo khi chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhỏ. Thời điểm 15 giờ chiều, nhóm trẻ 6-12 tháng tuổi còn 8 cháu (1 cháu đã được gia đình đón về buổi trưa).

Hai cô giáo Lê Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Thị Thúy mướt mồ hôi xoay xở với những đứa trẻ. Trong phòng sinh hoạt chung, một cháu ăn nhanh được cho vào ngồi ghế đẩy; các cháu còn lại được 2 cô chia nhau ra để đút ăn. Hết xoay cháu này đến cháu khác. Có cháu chưa được cô giáo đút thức ăn kịp đã khóc ré lên…

Dù vậy, các cô giáo vẫn bao quát toàn lớp một cách gọn gàng. Ở nhóm 12-18 tuổi, các cô giáo đỡ vất vả hơn, bởi đa số các bé đã biết nói và biết đi; một số bé đã biết nghe lời cô.

“Sau hơn 2 tuần đến lớp, giờ các cháu đã vào guồng, khá ổn định. Trước đây mới vào lớp, các cháu khóc lắm, các cô rất vất vả. Đến bữa ăn, nhìn các cô xoay xở, vật lộn với các cháu tôi thấy rất thương. Các cô không có thời gian để đến nhà ăn, ăn cơm chung với cô giáo trong trường, buộc quản sinh phải giúp bưng cơm tận nơi. Để đỡ đần sự vất vả của các cô, nhiều giáo viên nhóm lớn đã đến hỗ trợ”, cô Hồ Thị Kim Hiền chia sẻ.

Theo cô Hiền, nhà trường luôn chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho giáo viên và ưu tiên những giáo viên tình nguyện đứng lớp để chăm sóc các em...

Cần chính sách hỗ trợ đặc thù

Đề án thí điểm nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi là đề án nhân văn trong sự nghiệp phát triển giáo dục của thành phố Đà Nẵng. Để đề án sớm triển khai đồng bộ, cần sớm bố trí nguồn giáo viên cho các trường để đưa vào hoạt động, thỏa mãn sự mong đợi của các bậc phụ huynh.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Bích Thuận cho biết, để tạo điều kiện cho 17 trường MN công lập thực hiện thí điểm, Sở GD-ĐT chỉ đạo các Phòng GD-ĐT quận, huyện chủ động tham mưu kịp thời với UBND quận, huyện ưu tiên, bố trí đủ số lượng giáo viên nhà trẻ trên nhóm còn thiếu tại 17 trường mầm non công lập để thực hiện thu nhận trẻ vào 41 nhóm trẻ nhằm đạt mục tiêu về công tác an sinh xã hội và bảo đảm tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ dưới 18 tháng tuổi ra lớp theo lộ trình đề án bắt đầu từ tháng 10-2019.

Theo ghi nhận tại các trường, hiện nay, lực lượng giáo viên tại chỗ đã được đào tạo bồi dưỡng các kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Cô Nguyễn Phạm Nhật Vy, Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Hoa (quận Thanh Khê) cho biết, để chuẩn bị tốt mọi điều kiện trước khi đưa vào thí điểm, nhà trường đã có tờ trình lên UBND quận bố trí 10 giáo viên để phụ trách 4 nhóm lớp.

Trường cũng đã cử giáo viên đi tập huấn - đây là nguồn lực quan trọng nhằm chăm sóc các nhóm lớp trước khi được quận bố trí giáo viên về đứng lớp theo quy định.

“Các trường thực hiện thí điểm rà soát, sắp xếp bố trí giáo viên bảo đảm trên nhóm trẻ theo quy định và căn cứ trên tình hình thực tế của nhà trường; đồng thời tổ chức bồi dưỡng lặp lại các kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ dưới 18 tháng tuổi dành cho giáo viên nhà trẻ”, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các trường được thí điểm đề án cho biết, đây là các nhóm trẻ đặc thù nên công tác chăm sóc, nuôi dạy rất khó khăn. Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD-DT quận Hải Châu cho rằng, để chủ trương nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi tại các trường MN công lập của thành phố đạt hiệu quả cao, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cần xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ, có chính sách hỗ trợ cho giáo viên đứng lớp. Bởi lẽ, những giáo viên đứng lớp ở các nhóm trẻ sẽ vất vả rất nhiều, chính sách hỗ trợ sẽ giúp họ yên tâm hơn.

Về điều này, lãnh đạo các trường được thí điểm cũng rất trăn trở. Cô Nguyễn Phạm Nhật Vy nhìn nhận về đề án khi thực hiện sẽ giúp các cháu hưởng thụ các điều kiện tốt nhất, tuy nhiên, các cấp, ngành cũng cần quan tâm đến chế độ giáo viên.

“Về phía nhà trường cũng sẽ dành những khoản hỗ trợ trong quy chế chi tiêu nội bộ để giúp đỡ các giáo viên đứng lớp. Mong muốn lớn nhất của những người làm công tác giáo dục chúng tôi là trẻ nhỏ được chăm sóc tốt nhất và các giáo viên chăm sóc trẻ cũng nhận được sự quan tâm tương xứng”, cô Vy chia sẻ…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.