Trường tiểu học Lê Lai: Khẳng định thương hiệu bằng chất lượng giáo dục

.

Những năm trở lại đây, Trường tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) đã khẳng định được thương hiệu của mình nhờ chất lượng giáo dục hai mặt, trở thành điểm tin cậy để phụ huynh trong và ngoài địa phương gửi gắm con em.

Với nỗ lực trong công tác giảng dạy, Trường tiểu học Lê Lai được UBND thành phố tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối tiểu học quận Hải Châu năm học 2018-2019. Trong ảnh: Một giờ lên lớp của cô trò Trường tiểu học Lê Lai.
Với nỗ lực trong công tác giảng dạy, Trường tiểu học Lê Lai được UBND thành phố tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối tiểu học quận Hải Châu năm học 2018-2019. Trong ảnh: Một giờ lên lớp của cô trò Trường tiểu học Lê Lai.

Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương tự học, sáng tạo

Một trong những yếu tố quyết định thành bại của giáo dục chính là nhân tố con người. Chính vì vậy, Trường tiểu học Lê Lai luôn chú trọng đến đội ngũ giáo viên.

Cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm qua, trường chú trọng đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV). Vì vậy, thường xuyên tổ chức tốt hoạt động bồi dưỡng, đào tạo lại, thực hiện tốt các chương trình như bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề, tự bồi dưỡng của CBGV để có một đội ngũ “lành nghề”, chuyên nghiệp, tâm huyết, đủ sức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2020.

“Đến nay, nhà trường có 100% CBGV đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, trong đó trên chuẩn chiếm 93,1%. Trong năm học này, nhà trường đã tạo điều kiện để CBGV tham gia các lớp nâng cao năng lực quản lý, nâng chuẩn và chuyên môn nghiệp vụ”, cô Vi chia sẻ.

Trong phong trào thi đua “Dạy tốt-học tốt”, nhiều thầy cô giáo nhiệt tình trong giảng dạy, sáng tạo, góp phần mang lại nhiều thành tích nổi bật cho trường. Điển hình như cô Phạm Thị Mỹ Hạnh, Tổ trưởng chuyên môn tổ 4-5, là tấm gương giáo viên tâm huyết, nhiệt tình, là biểu tượng của tinh thần vượt khó; cô luôn nỗ lực, không ngừng tự học, tự rèn luyện, tham gia tích cực các hoạt động, các hội thi do ngành tổ chức.

Đặc biệt, với vai trò tổ trưởng tổ chuyên môn, cô tổ chức tốt Câu lạc bộ Toán, Tiếng Việt, bồi dưỡng học sinh tham gia Olympic cấp thành phố đạt kết quả tốt; tổ chức dạy học phân hóa đối tượng, phát triển được năng lực học sinh.

Cô Võ Xuân Cẩm Thi, Tổ trưởng tổ bộ môn Tiếng Anh là giáo viên nòng cốt của quận. Cô Thi tổ chức tốt Câu lạc bộ Tiếng Anh và bồi dưỡng học sinh tham gia giao lưu các cấp đạt kết quả tốt; tích cực tham gia thiết kế bài giảng Elearning cấp thành phố nhiều năm liền đoạt giải nhất.

Cô Lê Thị Ngọc Phương, giáo viên Tổng phụ trách Đội đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện mình, trở thành một Tổng phụ trách Đội giỏi. Cô đã tích cực bồi dưỡng học sinh tham gia các cuộc thi đoạt giải cao, như giải A văn nghệ cấp thành phố “Em yêu làn điệu dân ca” cùng nhiều giải thưởng khác; tổ chức sáng tạo nhiều cuộc thi mới mang tính giáo dục cao về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về tổ chức Đội như “Liên hoan tiếng trống Đội ta”, “Thi hát Quốc ca, Đội ca”, “Tự hào trang sử chi đội”…

Phong phú hình thức giảng dạy

Trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, nhà trường chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, vận dụng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau để tạo hứng thú trong giờ học; trong đó, lấy tổ chuyên môn làm cơ sở trong triển khai các hoạt động dạy và học.

Nhà trường cung cấp đầy đủ sách tham khảo khác nhau để giáo viên nghiên cứu, phục vụ tốt cho việc soạn giảng. Sự nỗ lực nhiệt huyết của tập thể giáo viên đã giúp cho học sinh nỗ lực trong học tập; chất lượng giáo dục hai mặt duy trì và tiến triển; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình đạt 100%; nhiều học sinh đoạt giải cao cấp thành phố và quốc gia.  

Đặc biệt, từ năm 2018-2019 đến nay, Trường tiểu học Lê Lai tập trung triển khai có hiệu quả 3 mô hình giáo dục, trong đó đặc biệt là mô hình “Xây dựng trường học 6 không” (không bạo lực học đường; không nói bậy, chửi thề; không kẹo cao su; không khói thuốc; không hộp xốp và lớp học không vách ngăn, giờ học không bục giảng).

Với mô hình “Xây dựng trường học 6 không” mục đích xây dựng môi trường giáo dục và học tập trong nhà trường lành mạnh, thân thiện nhằm gieo trồng, giáo dục và rèn luyện học sinh có những phẩm chất tốt đẹp, biết ứng xử, có nếp sống văn minh, lịch sự, nói lời hay ý đẹp, biết bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh và bầu không khí trường lớp sạch, đẹp, trong lành.

Vào đầu năm học, ngoài việc tuyên truyền, nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết thực hiện không đánh mắng học sinh, không để lớp phụ trách xảy ra bạo lực học đường. Bên cạnh đó, tổ chức cho học sinh viết cam kết thực hiện có chữ ký của phụ huynh. Nhà trường tổ chức nêu gương dưới cờ hằng tuần đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt để động viên, khích lệ.

Còn mô hình “Lớp học không vách ngăn, giờ học không bục giảng” là phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn, gắn bài học với thực tế cuộc sống, đưa các em học sinh đến gần với thực tiễn thông qua hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tìm hiểu môi trường thiên nhiên, khám phá thế giới xung quanh. Trong năm học 2018-2019, nhà trường tổ chức 4 chuyến đi cho từng khối lớp.

“Em khám phá thiên nhiên” dành cho học sinh khối 1 tại Công viên 29-3; “Một ngày làm nông dân” tại vườn thực nghiệm Liên Chiểu cho học sinh khối 2; “Một ngày làm chiến sĩ” tại Vùng 3 Hải quân cho học sinh khối 4; “Em là công dân thành phố biển” cho học sinh khối 3 và 5 tại bãi biển quận Thanh Khê.

Nhận xét về mô hình, chị Hà Ánh Ngọc, phụ huynh của trường cho rằng, mô hình có ý nghĩa thiết thực, thu hút được học sinh ở lứa tuổi tiểu học. Học sinh được thực hành, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, các bài học trở nên cụ thể, gần gũi, sống động.

Bài và ảnh: HOÀNG SA

;
;
.
.
.
.
.