Bảo vệ trẻ em: Trách nhiệm không của riêng ai

.

Trong năm 2019, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng quản lý đã tiếp nhận được gần 5.000 cuộc gọi; số cuộc gọi từ người dân và trẻ em trên địa bàn thành phố là 566 cuộc, trong đó có 550 cuộc gọi tư vấn về các vấn đề liên quan đến trẻ em và 17 ca can thiệp, kết nối liên quan đến trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em bị bạo lực.

Với những cuộc gọi của trẻ, đa phần các em gọi đến tổng đài vì những mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô, cha mẹ; áp lực học tập, thi cử hay bắt nạt ở trường học; những băn khoăn, lo lắng liên quan đến sự thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì... Đối với các cuộc gọi của phụ huynh/người chăm sóc trẻ chủ yếu quan tâm đến sức khỏe của trẻ, thay đổi tâm sinh lý của con khi con họ đang gặp các vấn đề rối loạn về ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc.

Thời gian qua, tại Đà Nẵng, thành phố luôn quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội và triển khai nhiều chương trình chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Với sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương, các tổ chức quốc tế và ngân sách thành phố, trong năm 2019, các trường THCS trên địa bàn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức gần 40 lớp tập huấn, với hơn 1.800 lượt người tham dự. Đối tượng tham dự bao gồm cả cán bộ địa phương, Ban bảo vệ trẻ em các cấp, giáo viên các trường THCS, giáo viên mầm non, nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện, các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng tác viên dân số - y tế - trẻ em thôn, tổ.

Nội dung tập huấn chủ yếu là kiến thức về quyền trẻ em, Luật Trẻ em, công tác xã hội trường học, kỹ năng công tác xã hội, kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, kỹ năng làm việc với trẻ em và kỹ năng truyền thông trong bảo vệ trẻ em. Đà Nẵng cũng đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đồng thời triển khai các mô hình, dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em như phường, xã làm tốt công tác xã hội với trẻ em; huy động cộng đồng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái...

Theo đại diện Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng, nhà trường và gia đình cần phối hợp để trang bị kỹ năng giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân. Thực tế hiện nay, chương trình dạy kỹ năng sống cho các em chủ yếu là lồng ghép, hiệu quả chưa cao. Một giáo viên công tác lâu năm trong ngành giáo dục từng tâm sự rằng trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, chúng ta không thể giáo dục theo kiểu giáo điều khô cứng bằng cách cấm các con tìm hiểu những điều của “người lớn” và nghĩ đó là “vẽ đường cho hươu chạy” mà cần song hành với con trẻ để dạy con biết thế nào là đúng, thế nào là sai và tìm cách giải quyết.

Thực tế còn không ít các địa phương, trường học chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ trẻ em, nhất là phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Do vậy, việc phòng, chống xâm hại trẻ em là vấn đề cấp thiết, cần có sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội; trong đó, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng vì là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách cho mỗi người.

Thời gian đến, thành phố cũng cần hoàn thiện các mạng lưới cung cấp dịch vụ về y tế, giáo dục; đồng thời, cần có cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và can thiệp kịp thời để tránh trẻ bị xâm hại; xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành và có cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, địa phương để tiếp nhận thông tin, can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

HƯƠNG SEN

;
;
.
.
.
.
.